Điểm nóng
Rừng thông ba lá ở Lâm Đồng liên tục bị triệt hạ
Nhiệt Băng - 11/10/2022 08:03
Rừng thông ba lá ở Lâm Đồng thường xuyên bị lâm tặc “ken” gốc, đổ hóa chất để cây chết rồi đốn bán, nhưng việc phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các vụ phá rừng hầu như không đáng kể.
Rừng thông ba lá ở Lâm Đồng liên tục bị triệt hạ, nhưng ít vụ việc được phát hiện sớm để ngăn chặn ngay từ đầu.

“Độc chiêu” đổ hóa chất

Cây thông ba lá là biểu tượng của tỉnh Lâm Đồng. Tại tỉnh này, thông ba lá đã được trồng thành rừng thuần loài ở các huyện Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP. Đà Lạt… Nhiều cánh rừng cây có đường kính lớn, tuổi thọ tới vài chục năm.

Không chỉ có giá trị cao về mặt kinh tế, cây thông ba lá còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống, tạo mảng xanh và làm đẹp hình ảnh du lịch của “xứ sở sương mù”.

Vậy nhưng, rừng thông ba lá lại là “miếng mồi” mà lâm tặc không ngừng nhắm đến. Song, rất ít vụ việc được phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu.

Tháng 11/2021, tại khoảnh 12, Tiểu khu 268, địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý, phát hiện 23 cây thông đường kính gốc từ 22 đến 48 cm bị chết khô. Cách đó không xa là khu vực nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ cũng phát hiện 44 cây thông ba lá có đường kính gốc từ 12 đến 43 cm bị “ken” gốc, đổ hóa chất, làm cây úa lá, chết đứng.

Ngày 4/10, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản hỏa tốc số 7491/UBND-LN về việc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 274, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Đây là một trong những vụ phá rừng sản xuất quy mô lớn, dư luận rất quan tâm, cần phải xử lý quyết liệt.

Ngày 14/4/2022, kiểm lâm địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương kiểm tra rừng tại lô b1, khoảnh 16, Tiểu khu 144A, lâm phần quản lý của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nguyễn Trương thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án, đã phát hiện 1 vụ phá rừng bằng hình thức ken cây, đổ hóa chất.

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương, diện tích rừng thiệt hại là 4.004 m2, có 83 cây thông đường kính 26 - 48 cm, chiều cao vút ngọn từ 11 đến 16 m bị phá, đã vàng úa lá. Đáng nói, khu vực này là rừng phòng hộ, thuộc trạng thái rừng thông phục hồi lớn (T12).

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Lạc Dương khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, UBND xã Đạ Sar và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nguyễn Trương khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cách đây chưa lâu, trên diện tích do Công ty cổ phần Đầu tư QNB quản lý, tại khoảnh 8, Tiểu khu 301 A, xã Tân Thành, 430 cây thông ba lá (9 năm tuổi) cũng bị khoan gốc, đổ hóa chất.

Tại thời điểm kiểm tra vào ngày 1/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận thấy, toàn bộ 430 cây thông ba lá đã chuyển màu vàng và nâu đỏ, thân cây đã khô, không còn khả năng phục hồi.

Tương tự, trên diện tích do Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý cũng phát hiện hàng trăm cây thông ba lá bị “đầu độc” bằng hóa chất (thuốc trừ cỏ). Cụ thể, tại lô a7, khoảnh 2, Tiểu khu 669, xã Ninh Gia có 42 cây thông ba lá 20 năm tuổi bị đẽo quanh gốc, đổ hóa chất. Thời điểm kiểm tra, toàn bộ 42 cây thông đã chết khô.

Tại lô a1, khoảnh 5, Tiểu khu 301 A, xã Tân Thành có 414 cây thông ba lá 19 năm tuổi, bị khoan gốc đổ hóa chất, tại hiện trường còn vỏ chai thuốc trừ cỏ hoạt chất Glyphosate. Lúc được phát hiện, 57 cây thông đã úa vàng, chết khô, không còn khả năng phục hồi và 357 cây thông còn lại lá phía dưới gốc đang chuyển vàng, tán lá phía ngọn còn xanh.

Mới đây nhất, lâm tặc đã dùng cưa máy triệt hạ loạt cây thông ba lá trên 20 năm tuổi tại Tiểu khu 274, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Ước tính ban đầu, số lượng thông ba lá bị triệt hạ khá lớn, tới hơn 160 cây. Vụ việc đang được cơ quan chức năng huyện Lâm Hà điều tra, làm rõ.

Trên đây chỉ là những vụ việc mới xảy ra trong khoảng 1-2 năm nay, còn trong quá khứ, số vụ rừng thông ba lá bị lâm tặc triệt hạ nhiều không đếm xuể.

Trầy trật cứu rừng

Sau khi phát hiện các vụ việc rừng thông ba lá bị đổ hóa chất, ngoài việc tổ chức truy tìm đối tượng, điều tra xử lý, thì việc phục hồi rừng khiến cơ quan chức năng và doanh nghiệp được giao quản lý rừng mất rất nhiều thời gian, điển hình là vụ việc xảy ra trên lâm phần Công ty cổ phần Đầu tư QNB và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đã tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước, nhưng chưa thấy nghiên cứu nào về biện pháp giải độc phục hồi rừng thông ba lá bị đổ hóa chất trừ cỏ.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi và thống nhất với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai sử dụng phương pháp đổ nhớt vào các lỗ khoan để cứu cây thông bị đổ hóa chất.

Theo đó, cơ quan này phối hợp với doanh nghiệp thực hiện khoan rộng lỗ khoan (vị trí đã bị khoan để đổ hóa chất), phá lớp nhựa cây đã bịt kín vết khoan, sau đó bơm đầy nhớt vào lỗ khoan (3 lần) để rửa trôi và giảm độ độc của hóa chất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy trình này được thực hiện 5 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 2 ngày. Kết quả, tính đến ngày 26/7/2022, trong tổng số 357 cây thông tại Tiểu khu 301A, xã Tân Thành, chỉ có 3 cây thông bị chết, 354 cây còn lại tán lá vẫn xanh, nhận định ban đầu là có khả năng phục hồi.

Liên quan đến vụ ken cây, đổ hóa chất hàng chục cây thông ba lá xảy ra tại Lô b1, khoảnh 16, Tiểu khu 144A, lâm phần quản lý của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nguyễn Trương thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt tại các địa bàn thường xuyên xảy ra những vụ phá rừng gây thiệt hại lớn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nguyễn Trương vì không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy chế quản lý rừng, để xảy ra phá rừng, gây thiệt hại lớn đến môi trường sinh thái.

Tin liên quan
Tin khác