Ngân hàng - Bảo hiểm
Rút giấy phép kinh doanh vàng nếu không thực hiện hóa đơn điện tử
Vân Linh - 19/05/2024 10:03
Khác với những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, ngành nghề này liên quan đến vàng, loại hàng hóa đặc biệt có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ cần đảm bảo quy định.

Mua bán vàng phải xuất hóa đơn điện tử

Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, nguồn nguyên liệu mua vào của Công ty cũng phải đảm bảo được chất lượng, phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định, nhất là trước bối cảnh thị trường vàng có nhiều biến động hiện nay, việc thu mua nguyên liệu trên thị trường còn khó khăn hơn. Đó cũng chính là do lợi nhuận của PNJ giảm nhẹ trong quý đầu năm, do nhiều thời điểm không mua đủ nguyên liệu đầu vào để sản xuất đủ hàng đáp ứng cầu tăng...

Thực tế, việc mua nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang đòi hỏi luôn phải đáp ứng được quy định về nguồn gốc, giá tờ đầu vào. Ngày 7/5, NHNN TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định hiện hành, qua đó tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng chấp hành các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 (Nghị định 24) của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; đồng thời tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đến ngày 15/6/2024, nếu đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Các đơn vị kinh doanh vàng miếng phải thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng để đảm bảo chấp hành đúng quy định về niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, khác với những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, ngành nghề này liên quan đến vàng, loại hàng hóa đặc biệt có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ. Vì vậy, việc quản lý và thực thi pháp luật liên quan hoạt động này giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ mà còn đối với sự ổn định và phát triển nền kinh tế.

Với ý nghĩa đó, ở góc độ chính sách, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cần quan tâm thực hiện tốt các quy định tại Nghị định 24 về hoạt động sản xuất gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ.

Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại điều 6, Nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; bảo đảm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ tài chính kế toán; quy định về hóa đơn chứng từ của Bộ Tài chính. Trong đó, phải đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu mua vào để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (hóa đơn; bảng kê, giấy tờ pháp lý khác có liên quan... theo hướng dẫn của cơ quan thuế; cục Quản lý thị trường...). công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định sẽ không chỉ đảm bảo doanh nghiệp thực thi trách nhiệm trước pháp luật mà còn phòng ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh có liên quan đến tiêu thụ hàng nhái, hàng giả... qua đó, góp phần phòng chống buôn lậu và gian lận trong lĩnh vực này.

Không tuân thủ, sẽ rút giấy phép từ ngày 15/6 

Tại cuộc họp ngày 16/5 vừa qua do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; các ngân hàng thương mại đồng hành cùng với NHNN về vấn đề này.

Kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15/6/2024, nếu đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép. Ngoài ra, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngày 17/5, NHNN đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, gồm các nội dung: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan.

Vì thế, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM (SJA ) trong ngày 17/5 cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý như Cục Thuế TP HCM, Cục Quản lý thị trường TP. HCM, NHNN TP HCM, Cục tiêu chuẩn đo lường - Sở khoa học công nghệ, Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM…tổ chức hội nghị quán triệt các quy định liên quan đến xuất hóa đơn điện tử với khoảng 600 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn, với mục đích giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh vàng tại thời điểm hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, hiện các doanh nghiệp vàng đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử từ hơn 1 năm nay, bởi do đặc thù vàng là ngành kinh doanh có điều kiện nên các quy định của nhà nước được các doanh nghiệp tuân thủ. Đồng thời, hiện các doanh nghiệp vàng đã kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, người đứng đai6ù SJA cho rằng, cái khó lớn nhất của một số doanh nghiệp hiện nay vẫn là liên quan đến chứng từ về nguồn gốc xuất xứ vàng. Vì kể từ khi Nghị định 24 ra đời từ năm 2024 đến nay, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và nữ trang vàng nên buộc doanh nghiệp mua vàng trôi nổi trên thị trường, nhưng đến nay phải hoàn thiện chứng từ thì cần thiết có sự hướng dẫn của cơ quan thuế mới có thể đồng bộ được.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đến ngày 14/5, đã phát hiện, kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn và tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí một số mặt bằng còn giả nhãn mắc của các thương hiệu nữ trang lớn. 

Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay, hiện các vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Kết quả xử lý, đã phạt 21 vụ với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Nếu các sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập khẩu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được Cục Quản lý thị trường TP.HCM tịch thu theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, Cục Thuế TP.HCM cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan để triển khai hóa đơn điện tử nói chung và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nói riêng. Cục Thuế TP. HCM cho biết, hiện hầu hết cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố đều đã đăng ký hóa đơn điện tử. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nghiêm hóa đơn cho người mua vàng miếng, vàng nhẫn, nữ trang vàng. 

Tin liên quan
Tin khác