Lợi nhuận sau thuế của Sabeco lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.820 tỷ đồng |
Kết quả kinh doanh hợp nhất do Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB – HoSE, Sabeco) công bố mới đây cho biết, doanh nghiệp này thu về hơn 16.040 tỷ đồng từ bán bia trong nửa đầu năm, tương đương 88 tỷ đồng thu từ bia mỗi ngày. Con số này tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ.
Đây là nguồn thu lớn nhất, chiếm 86,6% tổng doanh thu, bên cạnh việc kinh doanh bao bì vật tư hay nước giải khát, cồn rượu. Năm 2018, Sabeco bán được 1,796 tỷ lít bia trong tổng số 4,2 tỷ lít bia ước tính được bán ra trên thị trường. Anh cả ngành bia Việt đặt mục tiêu sản lượng bán tăng thêm 6,24% và thu về tổng doanh thu 38.817 tỷ đồng, tăng 8,13%. Sau nửa chặng đường, Sabeco hoàn thành được hơn 47% kế hoạch doanh thu đặt ra, mức tăng trưởng so với cùng kỳ đạt 4,73%.
Cơ cấu doanh thu Sabeco – Nguồn: BCTC |
Ở một ngưỡng doanh thu lớn, mỗi phần trăm tăng trưởng doanh thu hay thị phần đối với Sabeco không hề dễ dàng đạt được, nhất là khi thị trường bia Việt Nam được Euromonitor dự báo có mức tăng trưởng khoảng 5%. Thực tế, doanh thu của Sabeco chỉ tăng trong quý I và đã chững lại ở quý II, giảm 0,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận quý II và nửa đầu năm của ông lớn này vẫn tăng trưởng hai con số nhờ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp, đặc biệt ở mảng bia và nước giải khát. Lợi nhuận gộp quý II cao hơn 15% so với cùng kỳ nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất, phía doanh nghiệp này cho hay. Biên lãi gộp kỳ này tăng mạnh lên 26,6%, cao nhất từ quý I/2017.
Quý II vừa qua cũng vừa tròn một năm Sabeco hoạt động dưới bộ máy HĐQT mới sau khi cổ đông Nhà nước bán lại 53,59% vốn cho Thaibev.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, phía Sabeco đang thực hiện nhiều dự án tối ưu chi phí như việc tiến hành tập trung hoạt động thu mua nguyên liệu giữa các đơn vị trong công ty cũng như hợp tác với ThaiBev nhằm giúp giá mua nguyên liệu tốt hơn khi mua số lượng lớn.
Ban lãnh đạo Sabeco đang cân nhắc giảm số lượng nhà kho, cắt giảm diện tích văn phòng hay thực hiện số hóa nhiều quy trình vận hành nhất có thể để cải thiện hiệu quả. Chi phí lon nhôm và giấy carton cũng được kỳ vọng giảm trong năm 2019.
Một thay đổi đáng chú ý tại Sabeco từ cuối tháng 2 là việc bắt đầu giao dịch với Công ty Lon nước giải khát TBC Ball Việt Nam, một liên doanh sản xuất lon bia giữa Ball Corporation (Mỹ) và Thai Beverage Can Limited –TBC (Thái Lan) đã hoạt động từ năm 2011.
Trong khi chi phí sản xuất được tiết giảm, chi phí bán hàng tại Sabeco vẫn duy trì mức tăng khá lớn. Nửa đầu năm, doanh nghiệp bia này đã chi 1.335 tỷ đồng cho hoạt động này, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng chi cho quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ tăng gấp rưỡi lên hơn 603 tỷ đồng. Marketing cũng đã rầm rộ hơn trong năm 2018, được VCSC đánh giá là hiệu quả hơn, đặc biệt giúp tăng vị thế thị trường ở khu vực nông thôn.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Sabeco lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.820 tỷ đồng, tăng 15% và đã hoàn thành gần 60% kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi 100 đồng doanh thu hiện tại của Sabeco đã mang về 15,3 đồng lãi ròng, trong khi năm trước chỉ mang về hơn 14,4 đồng.
Cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, Heineken đạt được mức lợi nhuận gấp đôi, dù Sabeco mới là anh cả trên thị trường bia khi xét về thị phần. Dư địa cho tăng trưởng lợi nhuận từ cải thiện biên lãi gộp vẫn còn cho doanh nghiệp này.
Kết quả kinh doanh Sabeco 6 tháng đầu năm 2019. |
Gần 60% tài sản là tiền, tồn kho tiếp tục được thu hẹp
Cùng với tăng trưởng quy mô lợi nhuận, tổng tài sản của Sabeco cũng tăng gần 7,6% so với đầu năm lên 24.060 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên, tài sản của doanh nghiệp bia này vượt mốc tỷ đô. Lợi nhuận tích lũy thêm từ các quý giúp Sabeco gia tăng vốn tự có, đồng thời giảm một phần nợ vay bao gồm cả vay ngân hàng, phải trả nhà cung cấp. Tỷ lệ nợ đến cuối quý II chỉ còn 22,7% từ mức 27,9% hồi đầu năm.
Cơ cấu tài sản không thay đổi nhiều, Sabeco chỉ tăng thêm 1.500 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng tại các ngân hàng. Tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi của doanh nghiệp bia này xấp xỉ 14.350 tỷ đồng, chiếm tới 59,6% tổng tài sản.
Tồn kho đến cuối quý II đạt 1.546 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Năm ngoái, tồn kho của Sabeco cũng đã giảm mạnh. Theo ban lãnh đạo, các sản phẩm của Sabeco đang được lưu hành không quá 1 tháng kể từ ngày sản xuất đối với bia chai và không quá 2 tuần đối với bia lon. Việc giảm hàng tồn kho ở các nhà phân phối thực hiện từ năm ngoái đã giúp cải thiện đáng kể độ mới của sản phẩm và giải phóng vốn lưu động cho doanh nghiệp bia này.