Lộ diện nhà đầu tư khủng
Kết thúc ngày 11/12, thời điểm trước 7 ngày để các nhà đầu tư muốn mua trên 25% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải đăng ký với Bộ Công thương theo quy định, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký.
Công ty TNHH Vietnam Beverage - nhà đầu tư đăng ký mua 327.053.405 cổ phần của Sabeco, tương đương 51% vốn điều lệ có thể làm bất ngờ nhiều người quan tâm, khi mới được thành lập vào tháng 10/2017, với mã số thuế được cấp vào ngày 6/10/2017. Tuy nhiên, “đằng sau” doanh nghiệp mới thành lập và có văn phòng trong ngõ nhỏ này lại là một ông lớn quen thuộc - tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đến từ Thái Lan.
Sabeco hiện chiếm 40% ở phân khúc bình dân, chiếm 20% phân khúc trung và cận cao cấp. Ảnh: Đức Thanh |
Vị tỷ phú này cũng không hề xa lạ với lĩnh vực đồ uống và thực phẩm, khi đang sở hữu hãng bia ThaiBev của Thái Lan, kiểm soát tập đoàn đồ uống Singapore F&N. Tại Việt Nam, ngoài việc là cổ đông lớn của Vinamilk, các công ty con của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi còn đang quản lý khách sạn 5 sao Melia Hà Nội, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam và thâu tóm xong Phú Thái Group - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho hay, việc thành lập pháp nhân tại Việt Nam để đăng ký mua cổ phần Sabeco cho thấy quyết tâm của tỷ phú người Thái với hãng bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Ngoài việc né được quy định rằng, khối ngoại không được sở hữu quá 49%, thì việc thành lập Công ty tại Việt Nam và đăng ký mua tới 51% vốn điều lệ của Sabeco cũng tránh được các phiền phức sau này khi có quá nhiều đơn vị con ở dưới nắm giữ số lượng cổ phần khác nhau tại Sabeco.
“ThaiBev quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco từ khá lâu. Nếu họ chốt tiền đặt cọc chính thức theo quy định, thì việc mua được lượng lớn cổ phần của Sabeco là không khó khăn”, ông Dũng nhận xét.
Với công bố mua tới 51% cổ phần Sabeco, trong khi không có thêm bất cứ tên tuổi lớn của làng bia thế giới đăng ký mua trên 25% vốn của Sabeco, dường như cuộc chơi đã chọn được người vào vòng chung kết.
Trước đó, nhiều mối quan tâm đã đổ dồn về AB-InBev, hãng bia số 1 thế giới với những thương vụ M&A khủng trong quá khứ. Hiện AB-InBev có nhà máy tại Bình Dương với quy mô được cấp phép là 100 triệu lít/năm. Nếu trở thành cổ đông lớn của Sabeco, AB-InBev sẽ có ngay được thị phần lớn và sản lượng đáng kể mà không vi phạm Luật Cạnh tranh về tỷ lệ chi phối trên thị trường.
Heineken - được biết tới là đang nắm giữ từ 5 đến 9% vốn điều lệ tại Sabeco, tuy cũng được nhắc tới trong việc ngắm nghía “miếng bánh” Sabeco, nhưng nếu trở thành cổ đông lớn của Sabeco, thì sự kết hợp giữa Sabeco và Heineken - doanh nghiệp đang nắm thị phần số 1 và số 2 trên thị trường bia Việt Nam, sẽ dẫn tới vi phạm Luật Cạnh tranh, bởi tổng thị phần sau khi tập trung kinh tế có thể tới 70%.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, trong lần đấu giá này, Heineken sẽ mua thêm nhưng chỉ dừng quanh mức sở hữu 10%, đủ để được cử một thành viên vào HĐQT của Sabeco.
Sabeco sẽ lột xác mạnh
Khi giới thiệu tới các nhà đầu tư về cơ hội tại Sabeco, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Sabeco cho rằng, quan niệm tập trung vào phân khúc bình dân là xưa cũ. Thống kê hiện nay, Sabeco chiếm 40% ở phân khúc bình dân, chiếm 20% phân khúc trung và cận cao cấp. Dân số Việt Nam đang già đi nhanh, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của Sabeco năm nay là 4,3%, năm 2018 là 4,1%.
“Sabeco đang chiếm 40,9% thị phần, năm tới sẽ chiếm 42-43% thị phần phân khúc bình dân, trong khi đó phân khúc cao cấp sẽ tăng thêm vài %. Để bảo vệ vị trí đứng đầu thị phần, chúng tôi cố gắng tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, không bao giờ chủ quan”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, vị thế người dẫn đầu của Sabeco chắc chắn sẽ có thêm những động lực và sự thay đổi ngoạn mục nếu người Thái nắm giữ tới 51% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho hay, động thái đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam và muốn mua số lượng chi phối cổ phiếu của Sabeco như các thông tin hiện nay cho thấy, đó là nhà đầu tư thực sự quan tâm tới ngành bia. “Họ là nhà đầu tư, nên không phân vân quá về lợi nhuận mà Sabeco đang được chia so với mức giá mua, bởi họ nhìn thấy những khả năng phát triển và chắc chắn sẽ chăm chút để doanh nghiệp làm ăn ngày càng có lãi cao hơn”, ông Việt nói.
Lẽ dĩ nhiên, nếu 51% vốn điều lệ của Sabeco được nắm giữ bởi một nhà đầu tư không phải là Nhà nước, bộ máy nhân sự hiện nay của Sabeco chắc chắn sẽ có những biến động mạnh với những ông chủ có tiền thật của mình.
Bình luận về các khả năng bán cổ phần của Sabeco, ông Dũng cho hay, việc công bố có một nhà đầu tư đăng ký mua tới 51% vốn điều lệ của Sabeco có thể khiến các nhà đầu tư khác phải cân nhắc kỹ hơn, nhất là khi thị giá đang ở mức cao như hiện tại.
“Không loại trừ kịch bản chỉ có người mua duy nhất và phiên đấu giá cạnh tranh sẽ không được tổ chức để chuyển sang chào bán áp dụng theo quy chế đã ban hành. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ mua cổ phần theo giá đăng ký chào bán cạnh tranh thành công với yêu cầu giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm chào bán và mức giá sàn tại ngày tổ chức chào giá cạnh tranh”, ông Dũng bình luận.
Mức giá khởi điểm của cổ phiếu SAB được Bộ Công thương công bố là 320.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, để nắm giữ 51%, Công ty TNHH Vietnam Beverage sẽ phải bỏ ra ít nhất là gần 105.000 tỷ đồng cho thương vụ này.