Tài chính - Chứng khoán
Sắc xanh tiếp tục lan tỏa sàn chứng khoán; nhiều cổ phiếu "nhà Louis" đo sàn
Thanh Thủy - 07/10/2021 17:17
Với lượng cổ phiếu tăng áp đảo, ba chỉ số chứng khoán Việt Nam duy trì phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp, bất chấp GAS - đầu tàu dẫn dắt đà tăng các phiên trước trở lại điều chỉnh.

Từ đầu tuần đến nay, ba chỉ số chứng khoán Việt Nam duy trì mạch tăng điểm khá ấn tượng. VN-Index đóng cửa tăng 3,17 điểm (0,23%) lên 1.365,99 điểm. VN-30 Index tăng khá khiêm tốn (+0,07%). Trong khi đó, chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lần lượt tăng 0,89% và 1,49%. Mức tăng trên sàn HNX và UPCoM cũng mạnh mẽ hơn. HNX-Index tăng 1,93 điểm (0,52%) lên 370,4 điểm. UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (0,6%) lên 97,96 điểm.

Dù trụ cột nâng đỡ thị trường thường xuyên “đổi vai”, số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo giúp thị trường giao dịch tích cực. Toàn sàn có 523 mã tăng giá, 42 mã tăng kịch biên độ; trong khi lượng mã giảm và giảm sàn chỉ lần lượt là 334 và 16 cổ phiếu. 

Chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điêm thứ tư liên tiếp.

Trái với các phiên trước, cổ phiếu PV Gas với mức giảm 2,2% so với phiên hôm qua đã trở thành yếu tố tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi góp tới 1,23 điểm giảm. Phiên giảm hôm nay một phần bởi sự đảo chiều của giá dầu thế giới sau thông tin của EIA cho thấy tồn kho dầu thô tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước. Đây cũng là phiên điều chỉnh cần thiết sau chuỗi dài tăng giá đã giúp GAS bứt phá tăng 23,6% trong vỏn vẹn 2 tuần. Sắc đỏ bao trùm lên nhóm dầu khí, cổ phiếu 2 công ty phân phối khí gồm ASP và PGD thậm chí giảm kịch sàn.

Nhiều cổ phiếu đầu cơ cũng xuất hiện hiện tượng chất dư bán sàn. Trong đó, cổ phiếu TGG của Louis Capital dự bán sàn 1,3 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu khác như BII, SMT cũng đóng cửa giảm kịch biên độ. Các cổ phiếu này trước đây đều từng có giai đoạn tăng quá nóng. Louis Capital vừa qua còn quyết định hoãn phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo phương án tăng vốn điều lệ đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức đầu tháng 9/2021.

Nhóm ngân hàng giao dịch phân hóa, thậm chí sắc đỏ chiếm hơn nửa. Tuy nhiên, 3 cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, VPB và SSB bứt phá mạnh và trở thành nhóm đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index. Trong khi VCB tăng 1,26%; VPB, SSB và MSB đều tăng trên 3%. Ở chiều ngược lại, TCB và BID đều giảm trên 0,6% và cùng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực lên chỉ số sàn HoSE. Trên sàn HNX, cổ phiếu các ngân hàng như NVB, BAB quay đầu điều chỉnh đều nằm trong top cổ phiếu ghìm chân chỉ số.

Cổ phiếu SHB đang tạm thời “ở ẩn” trước khi chào sàn HoSE vào ngày 11/10 tới. Sau khi cổ phiếu trụ cột này rời sàn, HNX-Index mới đây lại đón thêm một tân binh khác trong ngành tài chính là KS Finance (mã KSF) – công ty do ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sunshine Group nắm hơn 54% vốn. Sau phiên chào sàn tăng 30% hôm qua, cổ phiếu này tiếp tục tăng kịch biên độ (+9,8%) lên 51.400 đồng, tương đương vốn hóa công ty hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng trên cũng khiến KSF trở thành cổ phiếu đóng góp điểm tăng nhiều nhất cho HNX-Index. Top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất trên sàn HNX là KSF, IDC, DTK, PHP và TIG.

Cùng đó, một số dòng cổ phiếu giao dịch khá tích cực phiên hôm nay, như nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Chứng khoán SSI mới đây đã hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với lợi nhuận ước đạt 2.100 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Thông tin tích cực này phần nào kéo giá cổ phiếu SSI tăng 1,88% trong phiên. Sắc xanh phủ rộng nhóm này, trong đó tăng mạnh nhất là BSI và FTS (trên 5%) và chỉ một số cổ phiếu giảm giá như HCM, IVS, TVS…

Dòng tiền cũng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Tiêu biểu, cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức tăng kịch biên độ. Ngoài ra, KBC tăng 5,4%, IDV (+4,4%), ITA (+ 4,1%), TIP (+4,1%), ITA (+2,1%) hay BCM – Becamex (+1,4%)…

Giá trị giao dịch trên sàn cải thiện khi giá trị chuyển nhượng trên ba sàn nhích nhẹ hơn 3,3% lên 24.343 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 633 tỷ đồng, thậm chí bán mạnh hơn phiên liền trước. Cổ phiếu HPG tiếp tục bị bán ra mạnh nhất giúp các nhà đầu tư ngoại thu về 226 tỷ đồng. Đây đã là phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phiếu của ông lớn ngành thép đang ở vùng giá đỉnh lịch sử.

Ngoài HPG, khối ngoại cũng bán mạnh cổ phiếu SBT (-121 tỷ đồng), PAN (-88 tỷ đồng), QNS (-58 tỷ đồng), CTG (-55 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, bên mua khá khiêm tốn với một vài cổ phiếu được giải ngân 20-30 tỷ đồng như VRE, DHC, KBC hay POW.

Tin liên quan
Tin khác