Trong quý I/2019, Sacombank đạt lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Dũng Minh |
“Đánh vật” với nợ nần để lại từ thời Trầm Bê, bầu Kiên
Nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm khi ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch Thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại thời điểm tháng 8/2017, ông Trầm Bê để lại 2 khoản nợ rất lớn tại Sacombank. Khoản thứ nhất là món nợ liên quan tới bất động sản với giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng. Khoản nợ thứ hai là cổ phiếu (khoảng 10.000 tỷ đồng). Tất cả khoản nợ này được cho là đều có tài sản bảo đảm, nhưng cần khoảng 3 năm để thu hồi.
Cũng tại thời điểm trên, Sacombank có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Tình hình có nhiều biến chuyển sau khi ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới (2017 - 2021). Để xử lý khoản nợ khổng lồ trên, lãnh đạo Sacombank dưới thời ông Dương Công Minh làm Chủ tịch đã ban hành khoảng 40 nghị quyết/quyết định liên quan đến xử lý nợ xấu, thành lập hàng loạt ủy ban…
Ngay khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh đã khẳng định, sẽ quyết liệt để xử lý hết hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu từ trước đó để lại. Ông cũng cho rằng, nếu sau 3 - 5 năm, không xử lý được nợ xấu, ông sẽ rời vị trí ghế nóng.
Vì thế, người cầm quân Sacombank đã vạch ra mục tiêu xử lý một cách cụ thể và rõ ràng. Năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu và Ngân hàng đã đạt được mục tiêu này. Năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu xử lý nợ xấu 15.000 tỷ đồng và Ngân hàng đã xử lý được 13.000 tỷ đồng. Năm 2019, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, với mục tiêu xử lý khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong quý I/2019, Sacombank xử lý được 5.000 tỷ đồng.
Do khoản nợ xấu không nhỏ, nên xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của Sacombank trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, Sacombank liên tục giảm giá bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Ngân hàng vừa thanh lý toàn bộ 2.455 quyền sử dụng đất với tổng diện tích 602.225 m2 thuộc Dự án Khu dân cư phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Mặc dù chưa cho biết giá bán và thông tin bên nhận chuyển nhượng, nhưng trước đó, Sacombank rao bán dự án này với giá hơn 3.400 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Bên cạnh đó, hiện có một dự án ngàn tỷ khác được Sacombank rao bán vẫn trong tình trạng ế ẩm và tiếp tục hạ giá. Đó là dự án tại quận Bình Tân, TP.HCM, bao gồm toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 cũng tại phường Bình Trị Đông B. Dự án trên đang được Sacombank rao bán với giá 5.695 tỷ đồng, giảm 334 tỷ đồng so với giá đưa ra hồi đầu tháng 3/2019.
Sacombank cũng thanh lý Dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh (TP.HCM). Tài sản đấu giá bao gồm 67 ha đất khu công nghiệp, 67 ha đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện,…). Dự án do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư. Đây là khoản cấp tín dụng Sacombank tiếp nhận từ Ngân hàng Phương Nam khi sáp nhập ngân hàng này. Dự án Khu công nghiệp Phong Phú từng được Sacombank rao bán với giá hơn 6.600 tỷ đồng trong tháng 10/2018, giảm 1.000 tỷ đồng so với mức chào bán ban đầu.
Trong khi đó, ACB mất đến 6 năm xử lý dứt điểm hậu quả của “đại án Bầu Kiên” xảy ra từ tháng 8/2012. Còn nhớ, ngày 21/8/2012, bầu Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB - bị bắt, gây chấn động cả thị trường tài chính - chứng khoán, khiến 5,6 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán mất đi sau 3 phiên giao dịch và hơn 100.000 tỷ đồng tổng tài sản của ACB bốc hơi sau chưa tới một năm sau sự cố trên.
Khó khăn lớn để lại cho ACB sau sự cố trên là những khoản nợ xấu hàng ngàn tỷ đồng của những công ty liên quan đến bầu Kiên. Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho 6 công ty có liên quan đến bầu Kiên được xác định hơn 9.400 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản và vàng.
Chính ảnh hưởng từ khoản nợ xấu tiềm tàng đã “ăn mòn” hoạt động của ACB trong nhiều năm sau đó. Hệ quả là lợi nhuận của ACB từ năm 2012 đến năm 2016 chỉ ở mức dưới 1.700 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với trước khủng hoảng. Nguyên nhân là nhiều năm liên tiếp sau khủng hoảng, ACB phải trích lập dự phòng quá lớn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ biến cố bầu Kiên với ACB đã dần mờ nhạt. Đến cuối năm 2017, dư nợ của nhóm 6 công ty giảm còn 616 tỷ đồng, bằng chưa tới 10% so với 6 năm trước đó. Riêng trong tháng 12/2017, ACB đã sử dụng dự phòng để xử lý hơn 2.700 tỷ đồng dư nợ của nhóm công ty này.
Những bước tiến vững chắc
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của ACB cho thấy, Ngân hàng đã thu về hơn 1.600 tỷ đồng từ thu hồi khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ACB đạt 6.389 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm trước đó. ACB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lãi cao nhất trong năm qua. Động lực của sự tăng trưởng ấn tượng này, ngoài các hoạt động kinh doanh chính, còn đến từ việc lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi và chi phí dự phòng rủi ro giảm tới 63,7% so với năm 2017. Đáng chú ý là, tất cả đều có liên quan tới tình hình thu hồi nợ xấu đã xử lý của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên.
Nợ xấu nội bảng tại ACB cũng được kiểm soát ở mức 0,73% cuối năm 2018. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 47% so với cuối năm 2017 lên gần 1.100 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với tổng dư nợ của ACB.
Mặc dù gia đình ông Kiên hiện nắm giữ 10% cổ phần tại ACB, nhưng không còn ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng này. Theo đơn đề cử nhân sự tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện cho nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên đã không được phê duyệt vào danh sách bầu thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023. Trong khi đó, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) - người cuối cùng đại diện cho nhóm cổ đông này ở ACB với vị trí Phó ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn - hiện cũng không còn đảm nhiệm vị trí nào tại ACB.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, trong năm nay, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và sẽ đóng góp khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường năm 2019 (khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro) vào chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng trước thuế của ACB năm 2019. Kết thúc quý đầu năm nay, ACB đạt 1.670 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quý I/2019, ACB đã ghi nhận một khoản hoàn nhập dự phòng gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước phải trích lập tới 134 tỷ đồng. Nợ xấu ACB đến hết quý I/2019 cũng giảm hơn 3%, xuống còn 1.623 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,73% từ thời điểm cuối năm trước, xuống 0,68%.
Nhìn lại quá khứ, có lẽ mọi thứ sẽ không dễ dàng sau biến cố tháng 8/2012, nếu ACB chỉ đơn giản áp dụng những thứ mà ngân hàng đã kinh qua. Thay vào đó, vài năm gần đây, ACB đã có chuyển biến mang tính bước ngoặt nhờ các kế hoạch phát triển từ năm 2013 đến nay. Việc cải tổ mạnh mẽ của ACB đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi ngân hàng này định hướng hoạt động vào các nhóm khách hàng theo các phân tầng, cũng như tập trung nhiều hơn vào hoạt động ngân hàng bán lẻ - mảng kinh doanh chiếm đến 82% tổng doanh thu trong những năm gần đây. Để thực hiện ý tưởng đó, ACB đã tách cơ cấu kinh doanh thành 3 mảng riêng biệt: cá nhân, doanh nghiệp vừa - nhỏ và doanh nghiệp lớn.
Còn với Sacombank, năm 2019, ngân hàng này đặt ra mục tiêu tăng trưởng ổn định và năm 2020 sẽ tăng tốc. Thực tế, Sacombank vẫn phải “đánh vật” với khoản nợ khổng lồ từ thời ông Trầm Bê để lại. Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank, xử lý nợ xấu vẫn là nhiệm vụ trọng điểm của Ngân hàng trong năm 2019.
Cũng theo ông Minh, sau 2 năm tái cơ cấu, Sacombank đã giảm được hơn 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Kết thúc quý đầu năm nay, Sacombank đạt lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Ngân hàng đã đi được hơn 1/3 chặng đường của mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm nay (hơn 2.650 tỷ đồng). Để thực hiện kế hoạch đưa ra cho năm nay, Sacombank cho biết, tiếp tục phát huy lợi thế bán lẻ, triển khai hiệu quả hoạt động ngân hàng số và tăng nguồn thu từ dịch vụ.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Sacombank diễn ra cuối tháng 4/2019, nhiều cổ đông đã đặt ra vấn đề trích thưởng cho cán bộ, công nhân viên và thù lao HĐQT để tích lũy lợi nhuận chia cho cổ đông. Liên quan vấn đề này, ông Dương Công Minh cho biết, Ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước, nhưng do Sacombank vẫn thuộc diện tái cơ cấu, nên chưa thể chia cổ tức.