Ngân hàng - Bảo hiểm
Sacombank báo lãi quý III/2024 tăng 32%, chưa ghi nhận từ việc bán KCN Phong Phú
T.V - 31/10/2024 10:54
Sacombank (Mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.752 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý III/2024, thu nhập lãi thuần của Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hơn 31%, trong khi thu nhập ngoài lãi giảm.

Chi phí hoạt động tăng 9%, lên mức 3.287 tỷ đồng. Nhưng tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 36%. Trong quý III/2024, Sacombank tăng cường bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng khi trích 1.199 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, song kết quả nhà băng này vẫn lãi trước thuế gần 2.752 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh 32% so cùng kỳ.

Sacombank báo lãi quý III tăng 32%, chưa ghi nhận từ việc bán KCN Phong Phú

Lũy kế 9 tháng, Sacombank đạt lợi nhuận 8.094 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ. So với mục tiêu đưa ra cả năm (10.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế) ngân hàng này đã thực hiện 76,4% kế hoạch cả năm sau 9 tháng. Nhưng hiện Sacombank vẫn chưa phản ánh khoản thu từ việc bán Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú trong báo cáo tài chính quý III/2024. Trong khi, báo cáo phân tích được cập nhật ngày 2/8 của Chứng khoán Vietcap dự báo, Sacombank sẽ ghi nhận khoản 2.000 tỷ đồng thu nhập ngoài lãi từ việc bán các khoản nợ liên quan tới khu công nghiệp Phong Phú trong nửa cuối năm 2024.

Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023. Đồng thời, mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản dự kiến ở mức 724.100 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ. Nguồn vốn huy động dự kiến ở mức 636.600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn tuân thủ theo quy định của NHNN.

Đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của Sacombank ở mức 702.986 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng của Sacombank tăng 8,9% so với đầu năm lên 525.500 tỷ đồng, tương đương với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tếSố dư nợ xấu của ngân hàng vào cuối tháng 6 ở mức 12.999 tỷ đồng, tăng 18,3%, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu lên mức 2,47%, cao hơn kết quả cuối quý II, quý I và cuối năm 2023. Tiền gửi khách hàng tăng 11%, lên gần 566.700 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến 30/09/2024 của Ngân hàng tăng 18% so với đầu năm, lên 12,999 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng từ mức 2.28% đầu năm lên 2.47%.

Lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 của Sacombank đã ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ. Vấn đề chia cổ tức do đó luôn là mối quan tâm lớn của các cổ đông ngân hàng này tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ, khi nhìn vào con số lợi nhuận giữ lại ngày càng lớn. Nguồn tiền để chia cổ tức đã có, vấn đề còn lại là thời điểm chia.

Các lãnh đạo cấp cao ngân hàng này đã nhiều lần chia sẻ, các thủ tục cần thiết đã được Sacombank đệ trình Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi được phê duyệt sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức cho các cổ đông. Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank đã từng trình Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông, song vẫn chưa được chấp thuận, do ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Minh "gạo không ăn, còn có đó". Hiện Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản các tồn đọng trong Đề án tái cơ cấu và còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Trước đó, trả lời cổ đông tại kỳ họp thường niên 2024 diễn ra cuối quý II/2024, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho hay, vấn đề cuối cùng để chia cổ tức là phải đấu giá 32% cổ phiếu của ông Trầm Bê. Trong báo cáo của Sacombank, lợi nhuận giữ lại 18.000 tỷ đồng. Hiện nay, room 30% ngoại tại Sacombank đã được thoái hết. Nếu tái cơ cấu thành công sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó tăng vốn điều lệ và kêu gọi cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Tin liên quan
Tin khác