Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 20/1/2022 và ngày đăng ký cuối cùng tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2022 của Sacombank là ngày 21/1/2022.
Sacombank sẽ gửi thông báo cho cổ đông thực hiện quyền đề cử ứng viên dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Nội dung đại hội Sacomank năm nay gồm có: Quyền đề cứ ứng viên dự kiến bầu làm thành viên HĐQT và BKS Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Cổ đông thực hiện theo nội dung thông báo của Sacombank công bố thông tin và gửi trực tiếp cho cổ đông trước ngày 21/2/2022. Dự kiến ĐHCĐ Sacombank sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2022 tại TP.HCM.
Năm 2021, Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận lũy kế 6.496 tỷ đồng và không chia cổ tức, cho dù trước ĐHCĐ thường niên 2021 HĐQT Ngân hàng đã có tờ trình xin NHNN được chia cổ tức.
Sacombank cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017. Vì vậy, Ngân hàng cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.
Nhưng trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng rất muốn chia cổ tức vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ NHNN và quá trình tái cơ cấu thành công.
Chủ tịch HĐQT Sacombank hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công và hy vọng trong năm 2022, Ngân hàng trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức.
Theo người đứng đầu Sacombank, dự kiến đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.
Sacombank cho hay, sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong 2022.
Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhưng theo Chủ tịch Sacombank, số cổ phiếu chiếm 32% vốn tại VAMC chắc phải giải quyết trong năm 2022.
Hiện Sacombank chưa đưa ra kết quả kinh doanh cả năm 2021, nhưng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Ngân hàng, với lợi nhuận giảm nhẹ 8% kỳ năm, nhưng lũy kế 9 tháng đạt hơn 3.249 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Sacombank giảm 15% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 2.411 tỷ đồng. So với kế hoạch 4.000 tỷ đồng lãi trước thuế mà Ngân hàng đưa ra cho năm 2021, Sacombank đã thực hiện được 81%.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Sacombank đạt 494.295 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,8% đạt 356.440 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 2,1% xuống 418.839 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ, đến cuối tháng 9/2021 chất lượng nợ vay của Sacombank cải thiện so với đầu năm 2021. Tổng nợ xấu tính đến 30/09/2021 chỉ còn 5.568 tỷ đồng, giảm 4% so đầu năm.
Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của Sacombank giảm từ mức 1,7% đầu năm xuống còn 1,56%.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 14/1, giá cổ phiếu STB đang được giao dịch ở mức 34.350 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 7% trong một tuần qua.