Theo đó, Sacombank dự kiến tiến hành ĐHĐCĐ vào ngày 22/4 tới tại TP.HCM.
Ngoài mục tiêu lợi nhuận, tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Sacombank cho biết, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong giai đoạn 2022-2026 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.
Đồng thời, Ngân hàng dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.
Luỹ kế đến 31/12/2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại của ngân hàng là 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần 50% vốn điều lệ của Sacombank, đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.
Tuy nhiên, do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức cho cổ đông phải được sự phê duyệt của NHNN.
Từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.
HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.
Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.
Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán 32,5% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Đồng thời, trong giai đoạn 2022-2026, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản.
Nhưng sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.
Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.
Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.Trong năm 2021, ngân hàng đã thu hồi, xử lý gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng.
Ngân hàng này cho biết, nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, vượt con số kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên sáng ngày 5/4, giá cổ phiếu STB của Sacombank đạt mức 32.150 đồng/cổ phiếu, không thay đổi nhiều so với phiên hôm qua.