Ngân hàng
Sacombank hoàn thành triển khai và áp dụng Basel II
T.V - 26/08/2021 11:23
CTCP tư vấn EY Việt Nam đã đánh giá, kết luận Sacombank tuân thủ hoàn toàn các nội dung của Hiệp ước Basel II theo quy định Thông tư 41 và Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay khi được NHNN lựa chọn là một trong những Tổ chức tín dụng thí điểm triển khai thực hiện Hiệp ước Basel II, Sacombank đã ngay lập tức thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Hội đồng quản trị và Đội dự án trực thuộc Ban Điều hành.

Theo đó, Sacombank đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như: Thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên với Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo hiểu đúng & đủ chủ trương, chính sách và định hướng.

Phối hợp cùng các Đơn vị tư vấn trong và ngoài nước như EY, Pwc, Deloite,…để hội thảo, chia sẽ kiến thức và thực hiện các dự án nâng cao năng lực theo Hiệp ước Basel II.

Thực hiện đánh giá toàn diện hiện trạng thực tế từ hệ thống quản trị, giám sát, điều hành, đến cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin,…nhằm đo lường mức độ đáp ứng của Sacombank so với các tiêu chuẩn của Basel II.

Ngân hàng này định hình rõ lộ trình thực hiện cùng với trên 30 dự án cần triển khai bao quát mọi khía cạnh hoạt động. Tăng cường về lượng, nâng cao về chất lực lượng nhân sự nồng cốt trong Đội Dự án với sự chỉ đạo sát sao từ Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành.

Đồng thời, Sacombank mạnh dạn đầu tư hệ thống phần mềm ứng dụng, công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay như Oracle, SAS. Liên tục đào tạo và truyền thông nhằm tăng cường sự hiểu biết và đồng lòng thực hiện Hiệp ước Basel II trong toàn thể cán bộ nhân viên trong hệ thống.

Kết quả, Sacombank đã hoàn thành toàn bộ Hiệp ước Basel II theo đúng lộ trình mà NHNN đã đặt ra với chất lượng cao và phù hợp với thực tế hoạt động.

Cụ thể, trụ cột 1 về quản lý hệ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của Sacombank luôn luôn duy trì ở mức trên 9% - mức cân đối giữa an toàn hoạt động và hiệu quả kinh doanh.

Trụ cột 2 được Sacombank triển khai song song với trụ cột 1 với phương châm thận trọng và hiệu quả, bao gồm: Quy định khung quản trị rủi ro theo 3 tuyến phòng vệ, trong đó bao gồm vai trò và trách nhiệm giám sát của Quản lý cấp cao trong việc theo dõi, định hướng và giám sát điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của Ngân hàng.

Quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (Internal Capital Adequacy Assessment Process - ICAAP) được thực hiện, trong đó bao gồm nhận dạng và đo lường các rủi ro trọng yếu thuộc trụ cột I là Rủi ro tín dụng, Rủi ro hoạt động, Rủi ro thị trường và các loại rủi ro ngoài trụ cột I như Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, Rủi ro tập trung… 

Bên cạnh đó, hoạt động công bố thông tin luôn được Sacombank chú trọng, đảm bảo công bố đầy đủ, chính xác nhằm nâng cao tính minh bạch trên thị trường theo đúng quy định của trụ cột 3.

Kết thúc tháng 6 đầu năm 2021, Sacombank nỗ lực duy trì phát triển các mục tiêu kinh doanh song song với việc đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Tổng tài sản đạt 504.534 tỷ đồng; tổng huy động tổ chức kinh tế và dân cư đạt 447.561 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay là 361.109 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.424 tỷ đồng, tương đương 60,6% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, Sacombank tiếp tục tập trung thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng với doanh số 6.612 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,54%, giảm 0,1% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là 9,75%, tăng 0,22% so với đầu năm.

Tin liên quan
Tin khác