Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư đối với Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Pleiku (km 1610) - cầu 110 (km 1667 +570) do Công ty cổ phần BOT & BT Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp dự án và Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 đoạn km 1793 + 600 - km 1824 do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 (Công ty Toàn Mỹ 14) là doanh nghiệp dự án.
Mẫu số chung lớn nhất tại 2 dự án trọng điểm quốc gia này được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra chính là việc xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính có rất nhiều điểm không phù hợp, thậm chí là cẩu thả.
Sự vào cuộc sớm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán tại các dự án BOT là đặc biệt cần thiết. Ảnh: Anh Minh |
Tại dự án do Đức Long Gia Lai đầu tư, việc xác định lưu lượng xe làm cơ sở tính toán các chỉ tiêu doanh thu thu phí dựa trên số liệu đếm xe được thực hiện vỏn vẹn trong vòng… 3 ngày tại 2 vị trí không mang tính điển hình cao để nội suy ra cả năm, trong khi đây là thông số quan trọng bậc nhất để lên phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc nội suy như vậy là phiến diện, chưa sát thực tế, không xét đến đặc điểm kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên (thời tiết có hai mùa: khô, mưa rõ rệt, có mùa thu hoạch nông sản riêng trong năm). Bên cạnh đó, các hệ số tăng trưởng lưu lượng xe và hệ số phân lưu xe qua đường cao tốc Hồ Chí Minh lập chưa có đủ cơ sở khoa học dữ liệu chứng minh; tổng vốn đầu tư sử dụng trong tính toán hoàn vốn của Dự án bao gồm cả khoản thuế giá trị gia tăng đã được hoàn (191,5 tỷ đồng)…
Những sai sót này dẫn tới hệ quả trực tiếp là bài toán hoàn vốn không chính xác với thời gian hoàn vốn tạm tính tại hợp đồng BOT ký giữa nhà đầu tư và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là 20 năm 4 tháng 2 ngày (từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 2/5/2036).
Dựa trên cơ sở hợp đồng BOT là hợp đồng điều chỉnh khi chỉ số đầu vào có thay đổi, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát các chỉ tiêu tính đến ngày 30/6/2016 để chạy lại phương án tài chính. Kết quả cho thấy, thời gian hoàn vốn Dự án chỉ còn 13 năm 1 tháng 5 ngày (giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày).
Tại Dự án này, đã xuất hiện tình trạng chi tiêu “xông xênh” bất thường, khi nhà đầu tư phóng tay huy động vốn vay tín dụng và nguồn vốn chủ sở hữu gần 4,5 tỷ đồng để mua ô tô… trái quy định. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không bị Kiểm toán Nhà nước “thổi còi”, thì chi phí mua ô tô sang hơn cả các dự án ODA này, tất nhiên sẽ được tính cả vào phần kinh phí hoàn vốn và người è cổ trả chính là chủ các phương tiện tham gia giao thông qua 2 trạm thu phí do Đức Long Gia Lai vận hành (km1610 + 800 và km 1667 + 470).
Điều đáng nói là, tình trạng “ảo hóa” các số liệu đầu vào cũng xuất hiện ở dự án do Công ty Toàn Mỹ 14 đầu tư, thậm chí còn ở mức độ cao hơn khá nhiều.
Kết quả rà soát, chạy lại phương án tài chính dựa trên các chỉ tiêu đầu vào cập nhật đến ngày 30/6/2016 do Kiểm toán Nhà nước tại dự án do Toàn Mỹ 14 đầu tư khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi thời gian hoàn vốn chỉ còn chưa tới 50% mức được nhà đầu tư được hưởng theo phương pháp tính toán của họ.
Bởi, theo hợp đồng BOT tại Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 đoạn km 1793 + 600 đến km 1824, thời gian hoàn vốn được tạm tính là 21 năm 7 tháng 20 ngày. Như vậy, đối chiếu với kết quả do Kiểm toán Nhà nước công bố, thời gian hoàn vốn giảm so với phương án tài chính ban đầu lên tới 12 năm 3 tháng 22 ngày. Đây là mức giảm thời gian thu phí lớn nhất xét về giá trị tuyệt đối tại một dự án hạ tầng BOT giao thông.
Được biết, mặc dù tại các dự án BOT giao thông, thời gian thu phí sẽ được cập nhật lại khi tiến hành quyết toán, nhưng nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không đối chiếu thường xuyên các chỉ số tăng trưởng lưu lượng xe giữa hợp đồng và diễn biến thực tế, nguy cơ thu lố, thất thoát là không thể loại trừ.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong số hơn 100 dự án BOT giao thông đã và đang triển khai trong thời gian vừa qua, đã có công trình thu quá gần 3 năm do phương tiện xe tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với dự báo trong phương án tài chính, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện điều chỉnh kịp thời.
Liên quan đến cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đối với các dự án BOT nói chung và 2 dự án này nói riêng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc xác định lợi nhuận cho nhà đầu tư còn những kẽ hở lớn.
Cụ thể, chiểu theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, lợi nhuận của nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định thầu được xác định trên cơ sở tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng, lợi nhuận của các dự án tương tự so với mặt bằng thị trường khu vực dự án và lợi nhuận của các ngành, lĩnh vực khác. Trong khi đó, các dự án tương tự cũng tính toán mức lợi nhuận nhà đầu tư không theo quy định cụ thể, bởi vậy căn cứ xác định lợi nhuận nhà đầu tư BOT mang nặng định tính.
Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT tiến hành rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu có sai lệch giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong hợp đồng BOT khi chấp thuận báo cáo quyết toán giá trị hợp đồng.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu “Khi xác định lại thời gian hoàn vốn phải xem xét đánh giá khả năng chi trả của các đối tượng tham gia giao thông trên tuyến đường để xác định mức thu phí trên đầu phương tiện phù hợp”.