Thời sự
Sam Sung bước chân thần tốc
Nguyên Đức - 27/03/2013 00:00
Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, dù vừa chính thức được khởi công xây dựng cách đây 2 ngày, nhưng đã được kỳ vọng là sẽ có bước đi thần tốc không kém Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh.
TIN LIÊN QUAN

Món quà bất ngờ

Một cách tình cờ, SEVT được khởi công ngay trước khi Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm nay (27/3/2013), đúng 2 ngày. Với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD, SEVT không chỉ giúp cho số liệu thống kê về thu hút FDI trong quý đầu năm 2013 trở nên “đẹp” hơn, với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012, mà còn giống như một món quà đầy bất ngờ và ngọt ngào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nhìn lại 25 năm thu hút FDI và hướng tới tương lai, với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI.

Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên được khởi công xây dựng sau chưa đầy 1 tuần nhận giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Việc một tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với một số vốn lớn và một cam kết đầu tư nhanh và dài hạn, hơn nữa lại trong lĩnh vực công nghệ cao, chính là lời khẳng định mạnh mẽ nhất cho sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam, cũng như cho những định hướng chiến lược đúng đắn của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới đây là tập trung vào các tập đoàn lớn và công nghệ cao.

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Samsung đã xác định Việt Nam là “cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu” của Tập đoàn và quyết định tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. “Đây là một quyết định có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần thiết thực phát triển quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Shin Jong Kyun, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông di động Samsung Electronics khẳng định, việc triển khai thêm dự án đầu tư tại Thái Nguyên thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam. “Thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, cùng với sự hợp tác giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương, Samsung sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, Samsung sẽ luôn nhận được sự ủng hộ và yêu mến của người dân Việt Nam”, ông Shin nói.

Với Thái Nguyên, SEVT càng có ý nghĩa lớn hơn nữa, khi mà chưa bao giờ, có một dự án FDI lớn như thế đầu tư ở tỉnh này. Bởi thế, tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Đình Phách đã gọi sự kiện Samsung khởi công dự án 2 tỷ USD này là một sự kiện kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh nhà. Ông Phách, có lẽ, đang nghĩ tới một ngày không xa, SEVT hoàn thành, đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động và mỗi năm, có thể mang về cho Thái Nguyên kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD - giống như SEV ở Bắc Ninh, khu tổ hợp công nghệ cao thứ nhất của Samsung ở Việt Nam - đã và đang làm được.

Bước chân thần tốc

Mọi kế hoạch đầu tư ở Thái Nguyên được giữ bí mật có lẽ ngay cả với những người của Samsung. Và cũng nhanh đến không ngờ. Vào thời điểm cuối năm ngoái, cũng đã có những đồn đoán về việc Samsung đang có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Nhưng mọi ánh mắt lúc ấy đều đổ dồn về Bắc Ninh, nơi SEV đang phát triển một cách nhanh chóng, và nơi mà ngay từ đầu, Samsung đã có kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất điện thoại di động thành Khu tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Comlex). điều đó là sự thật, khi mà giữa tháng 11 năm ngoái, SEV đã nhận thêm chứng nhận đầu tư cho dự án 830 triệu USD, để sáp nhập với dự án thứ nhất, trở thành Samsung Complex, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Không ai ngờ, còn một kế hoạch khác, lặng thầm hơn, nhưng lớn hơn, ở Thái Nguyên, mà ngày 25/3/2013 vừa qua, kế hoạch này đã chính thức trở thành hiện thực. Dường như đã có một cuộc đua quyết liệt từ lúc Samsung quyết định đầu tư tại Việt Nam, đến khi nộp hồ sơ dự án đầu tư, nhận giấy phép, rồi khởi công xây dựng. Thậm chí, có thể coi là không có một phút ngơi nghỉ.

SEVT mới được cấp chứng nhận đầu tư từ ngày 19/3. Điều đó có nghĩa là, chưa đầy 1 tuần sau khi có sự chấp thuận của phía Việt Nam, SEVT đã được khởi công xây dựng. Tất nhiên, mọi kế hoạch đều đã được chuẩn bị từ trước, tỉ mỉ từng chi tiết.

Năm 2008, khi SEV được khởi công, để rồi đúng 1 năm sau đó, chính thức vận hành, không ít người đã ngỡ ngàng. Với SEVT, mọi thứ còn có thể nhanh hơn nữa, bởi theo kế hoạch, cuối năm nay, nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện này đã đi vào hoạt động và có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên.

Hôm SEVT khởi công, rất đông người dân quanh đó đã nhìn cả một vùng đất rộng mênh mông mà chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Bình vừa hoàn tất giải phóng mặt bằng, với sự ủng hộ rất lớn của chính quyền và nhân dân địa phương, mà đặt câu hỏi rằng, liệu có kịp không, vì chỉ 9 tháng nữa?

Nếu nhìn vào những bước đi mà Samsung đã đạt được ở SEV, hoàn toàn có thể tin điều đó. Ông Shin Jong Kyun, khi tới Việt Nam để tham dự Lễ khởi công SEVT, cũng đã rất vui mừng và tự hào để nói rằng, chỉ sau 3 năm 5 tháng, SEV đã trở thành nhà máy lớn nhất trên toàn cầu của Tập đoàn Samsung, với công suất trên 100 triệu sản phẩm/năm. Năm ngoái, SEV đã đạt kim ngạch xuất khẩu 12,72 tỷ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại di động là 12,6 tỷ USD, phần còn lại là của máy hút bụi. 3 tháng đầu năm nay, SEV đã xuất khẩu được 5,2 tỷ USD và theo kế hoạch, năm 2013, có thể đạt được 16,5 tỷ USD.

“Chúng tôi hy vọng, tổ hợp công nghệ thứ hai non trẻ này cũng sẽ nhanh chóng trở thành nhà máy lớn nhất, có khả năng cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới của chúng tôi, giống như tổ hợp thứ nhất”, ông Shin nói và cho biết, khi đi vào hoạt động, cả hai khu tổ hợp này sẽ đạt công suất 250 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động, bao gồm cả lao động trong các doanh nghiệp vệ tinh.

Hiện nay, SEV đã thu hút được 80 nhà đầu tư vệ tinh, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động. Còn SEVT, cuối năm nay, khi bắt đầu đi vào hoạt động, mới chỉ giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, nhưng khi hoạt động ổn định, con số vào khoảng 30.000 người, tương đương SEV hiện nay.

Thậm chí, những bước đi của SEVT còn nhanh và mạnh hơn nữa, khi thông tin từ ông Nguyễn Đình Phách cho thấy, Samsung đang tiếp tục có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỷ USD, cũng trong khuôn viên 100 ha mà Samsung đã thuê ở Khu công nghiệp Yên Bình. Hiện tại, dự án này chưa được cấp chứng nhận đầu tư, song theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, thì có thể, kế hoạch này sẽ sớm được triển khai trong năm nay. Khi ấy, cùng với SEV, Việt Nam thực sự sẽ trở thành một cứ điểm sản xuất mới của Samsung.

Bài toán tối ưu hóa lợi ích

Có một câu hỏi luôn được đặt ra mỗi khi có dự án FDI lớn vào Việt Nam, mà kèm theo đó là Chính phủ luôn dành cho những ưu đãi cao nhất, đó là Việt Nam sẽ được gì?

Khi bài toán tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI được đặt ra, có thể hiểu rằng, trong câu chuyện này, phải hài hòa lợi ích của đất nước và nhà đầu tư. Rất dễ lý giải về phía nhà đầu tư, bởi hiển nhiên, phải nhìn thấy được lợi ích của mình, Samsung mới quyết định đầu tư và đầu tư lớn ở Việt Nam. Còn trên góc độ lợi ích quốc gia, cứ nhìn vào những gì mà SEV đã làm được cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thấy, Việt Nam đã được những gì: thu hút nhà đầu tư vệ tinh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu, đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, thậm chí là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển...

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định, khi đánh giá về các dự án lớn như của Samsung, phải nhìn vào các tác động toàn diện của dự án, chứ không thể chỉ nhìn xem, chúng ta thu được bao nhiêu thuế từ dự án này. “Phải nhìn tổng thể như vậy thì mới thấy hết những đóng góp và tầm quan trọng của các dự án FDI lớn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tin liên quan
Tin khác