Doanh nghiệp
Samsung - bước chân người khổng lồ
Nguyên Đức - 21/12/2017 15:26
Samsung ngày càng chứng tỏ họ là một “người khổng lồ” ở thị trường Việt Nam, nhờ khoản đầu tư lớn, triển khai nhanh và mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bước chân người khổng lồ

Nếu không tính dự án quy mô nhỏ mà Samsung đã đầu tư vào Việt Nam cách đây hơn 20 năm - SamsungVina, thì năm 2018 chính là mốc thời gian đánh dấu 10 năm Samsung đầu tư tại Việt Nam. Tháng 3/2008, sau một thời gian ngược xuôi lo thủ tục đầu tư, Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư, để rồi nhanh chóng khởi công xây dựng và chỉ một năm sau đó, tháng 4/2009, bắt đầu đi vào hoạt động.

Gần 10 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, không ngoa khi nói rằng, Samsung đã có bước chân thần tốc ở thị trường Việt Nam. 4 năm trước, cuối năm 2012, người viết bài này đã từng nhắc đến chuyện Samsung nhanh chóng nâng vốn đầu tư từ 670 triệu USD ban đầu lên 1,5 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đã bứt phá ngoạn mục từ chỉ 245 triệu USD của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 12,72 tỷ USD của năm 2012, để nói rằng, đã có “bước chân người khổng lồ” ở Việt Nam. Giờ nhìn lại, tất cả đã khác xưa một trời một vực. Nói bước chân e là quá nhẹ, phải là bước nhảy thần tốc mới đúng.

Samsung hiện có 3 tổ hợp công nghệ cao tại Việt Nam.

Bởi Samsung giờ đây không chỉ có 1 mà tới 3 tổ hợp công nghệ cao, ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và cả TP.HCM. Nếu năm 2012, vốn đầu tư của Samsung ở Việt Nam chỉ là 1,5 tỷ USD, thì con số bây giờ đã gấp hơn 10 lần, lên tới 17,3 tỷ USD. Ở Bắc Ninh, ngoài SEV - vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, còn có Samsung Display 6,5 tỷ USD và cả Samsung SDI - tuy nhỏ, chỉ 133 triệu USD, nhưng quan trọng vì chịu trách nhiệm sản xuất hầu hết các sản phẩm pin cho các thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu.

Ở Thái Nguyên, ngoài Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) 5 tỷ USD, còn Samsung Electro - Mechanic Vietnam 1,23 tỷ USD. Và ở TP.HCM, thay thế cho nhà máy SamsungVina đã hết thời hạn hoạt động và đóng cửa, là một Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC) quy mô vốn 2 tỷ USD. Tất cả đều rất nhanh chóng được xây dựng và đi vào hoạt động.

Và bởi thế, nếu bây giờ có tới thăm các tổ hợp sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên hay TP.HCM, rất dễ choáng ngợp trước quy mô khổng lồ của nó. Chắc chắn, rất ít, thậm chí là không có nhà đầu tư nào ở Việt Nam có được các khu tổ hợp sản xuất hiện đại và hoành tráng đến như vậy.

Khi SEV mới đi vào hoạt động, chỉ có một nhà máy được xây dựng, nhưng giờ đây là một tổ hợp các nhà máy, không chỉ lắp ráp các thiết bị di động, mà còn sản xuất cả linh phụ kiện. SEVT thậm chí còn hiện đại và hoành tráng hơn cả SEV, chẳng khác nào một “thành phố công nghệ cao” đã được xây dựng trên mảnh đất Thái Nguyên mà chỉ cách đây 4 năm vẫn thuộc diện kinh tế khó khăn.

Còn SEHC, nếu ai đã từng có dịp tham quan nhà máy sản xuất tivi của SamsungVina trước đây tại Thủ Đức, sẽ bất ngờ vô cùng trước quy mô to lớn và độ hiện đại của tổ hợp này. Trên diện tích hơn 94 ha, các khu nhà xưởng bề thế đã được xây dựng và thông tin từ Samsung cho biết, toàn bộ các dây chuyền sản xuất tại SEHC đều được nhập mới hoàn toàn và thuộc diện hiện đại nhất, để đảm bảo sản xuất các dòng sản phẩm cấp cao như TV SUHD, Smart TV, LED TV...

Quy mô nhà máy đã vậy, số lượng người lao động cũng tăng lên nhanh chóng. Con số hiện tại đã trên 160.000 người, chiếm tới trên 30% tổng nhân lực của Samsung trên toàn cầu.

Và hẳn nhiên, có một con số chắc chắn còn khiến nhiều người ngỡ ngàng hơn. Chỉ một con số này cũng đủ để chứng minh bước nhảy thần tốc của người khổng lồ Samsung tại Việt Nam. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Samsung chỉ là 12,72 tỷ USD, vốn đã là rất “kinh khủng” ở thời điểm ấy, thì tới năm 2014, đã nâng lên 26,2 tỷ USD và năm 2016 là 36,2 tỷ USD. Đấy là chỉ tính riêng của SEV và SEVT, còn nếu tính đủ toàn bộ các tổ hợp sản xuất của Samsung tại Việt Nam, con số của năm 2016 là 40,05 tỷ USD.

Năm nay, trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu của Samsung đã là 38,1 tỷ USD. Cả năm, con số dự báo sẽ vượt dự kiến 50 tỷ USD được đưa ra hồi đầu năm. Một con số mà chắc chắn sẽ chiếm một tỷ lệ rất lớn, ít nhất khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và cũng chắc chắn, không có bất cứ doanh nghiệp nào đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam có được. Đó chẳng phải là minh chứng cho “bước chân người khổng lồ” hay sao!

Và hiện tượng Samsung

Samsung thực sự trở thành một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, không phải cho đến bây giờ mà ngay từ nhiều năm trước. Là hiện tượng không chỉ bởi lượng vốn đầu tư của Samsung vào Việt Nam quá lớn, mà còn vì quá trình triển khai nhanh và hiệu quả, tạo sức lan tỏa khá lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay khi Samsung đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động, vốn đầu tư 670 triệu USD, đi vào hoạt động vào tháng 4/2009, dư luận đã coi dự án này như một hình mẫu trong thu hút FDI. Lý do là, thời điểm đó, Samsung là một trong hiếm hoi các đại gia công nghệ nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, sau “cú hích” Intel.

Dự án của Samsung không chỉ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, mà còn tạo kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư vệ tinh, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo việc làm, tăng xuất khẩu, thu ngân sách… và cả cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của một tập đoàn hàng đầu thế giới.

Và sau gần 10 năm đi vào hoạt động, tất cả những kỳ vọng đó đã trở thành hiện thực, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng. Ban đầu chỉ là lắp ráp, nhưng từng bước, Samsung đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện cho điện thoại di động.

Khởi đầu chỉ là một dự án quy mô không quá lớn, nhưng từng bước, là 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, TP.HCM, quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam. Và Việt Nam, từ chỗ chỉ là “cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” của Samsung, đã trở thành “cứ điểm sản xuất mới”, rồi “cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” của tập đoàn này. Chẳng ai có thể ngờ rằng, một đất nước nông nghiệp như Việt Nam lại có ngày trở thành một trong những trung tâm sản xuất các thiết bị di động lớn nhất trên toàn cầu.

Những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng từ đó mà tăng nhanh cùng các kế hoạch đầu tư thần tốc tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu là khá rõ ràng. Giải quyết việc làm cũng vậy. Ngay cả R&D cũng đã đạt kỳ vọng, khi đã có một trung tâm phát triển phần mềm của Samsung SVMC được đặt tại Hà Nội, với 1.600 kỹ sư Việt Nam tham gia. Số lượng nhà đầu tư vệ tinh theo chân Samsung vào Việt Nam tăng nhanh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD, góp phần quan trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử Việt Nam.

Và số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung cũng không ngừng tăng, chỉ tính riêng các nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 giờ đã lên tới 220 doanh nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa của SEV và SEVT đã đạt con số 57%, có nghĩa trong tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến của hai tổ hợp này năm 2017 là trên 40 tỷ USD, thì giá trị gia tăng để lại cho kinh tế Việt Nam là không nhỏ.

Đôi khi, một số quan điểm cực đoan cho rằng, Samsung đầu tư lớn tại Việt Nam, nhưng Việt Nam thu lợi chẳng bao nhiêu. Họ nhìn vào việc Chính phủ Việt Nam ưu đãi thuế cho Samsung để cắng đắng điều đó. Nhưng thu thuế chỉ là một chuyện, cứ nhìn những tác động lan tỏa của các tổ hợp Samsung đối với kinh tế - xã hội Việt Nam để thấy rằng, câu chuyện “đôi bên cùng có lợi” đã được Chính phủ Việt Nam giải quyết thỏa đáng đến thế nào.

Thậm chí, vai trò của Samsung đối với kinh tế - xã hội Việt Nam còn lớn đến nỗi, khi tăng trưởng GDP quý III bứt phá với 7,46%, thì một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do Samsung tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu mạnh mẽ. 9 tháng, “họ” Samsung tại Việt Nam xuất khẩu 38,1 tỷ USD. Thậm chí, đã có chuyên gia ví von rằng, chỉ cần Samsung “hắt hơi, sổ mũi”, kinh tế Việt Nam đã có thể bị ảnh hưởng.

Từ khi có Samsung, kinh tế - xã hội Thái Nguyên, Bắc Ninh đã thay da đổi thịt. Samsung chiếm tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên và 75% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh. Và có thể, đóng góp cho ngân sách của Samsung còn chưa được như kỳ vọng do vẫn đang trong giai đoạn miễn giảm thuế, nhưng chỉ riêng ngân khoản 800 triệu USD tiền lương hàng năm Samsung trả cho các nhân viên Việt Nam cũng đủ để tác động lan tỏa tới đời sống của hơn một trăm ngàn hộ gia đình Việt Nam.

Có những con số đã luôn được Samsung đưa ra để khoe. Chẳng hạn, Samsung tiêu thụ 16,9 tấn gạo; 20,1 tấn rau; 11 tấn thịt cá; 10,5 tấn dưa hấu và 30.979 quả trứng mỗi ngày… Tưởng chỉ để tổng kết cho vui, nhưng thực tế, đấy là những con số biết nói. Nó không chỉ cho thấy quy mô lớn mạnh của Samsung Việt Nam, mà là đằng sau mỗi quả trứng, mỗi cân thịt hay quả dưa hấu mà Samsung tiêu thụ, còn có những cơ hội kinh doanh mà những người Việt Nam khác có được kể từ sau khi tập đoàn này đặt chân tới Việt Nam. Tác động lan tỏa ấy, nhiều khi không dễ đong đếm nhưng thực sự vô cùng to lớn…

Bởi thế, Samsung đã và luôn là một hiện tượng trong thu hút FDI ở Việt Nam. Và không dừng lại ở đó, bước chân của người khổng lồ Samsung sẽ còn nhanh và mạnh hơn nữa, khi toàn bộ các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam hoàn tất. Vẫn còn khoảng 5 tỷ USD vốn đăng ký của Samsung chưa được giải ngân. Thậm chí, rất có thể, vẫn còn có các kế hoạch đầu tư tiếp theo vào các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, hàng không…

Khi ấy, không biết bước chân thần tốc của Samsung sẽ còn nhanh và mạnh đến nhường nào…!

Tin liên quan
Tin khác