Gói thầu thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có dự toán hơn 24.147 tỷ đồng (tương đương 1,044 tỷ USD).
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Công thương thẩm định thiết kế cơ sở và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) quyết định đầu tư, có tổng công suất 1.624 MW (công suất mỗi nhà máy là 812 MW). Ban quản lý dự án Điện làm đại diện Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Dự án nằm tại Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, cung cấp điện cho trung tâm phụ tải miền Nam với 3 khu vực phụ tải lớn là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, là dự án nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng công suất 1.500 MW (công suất điển hình mỗi nhà máy 750 MW), tổng mức đầu tư khoảng 32.486 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2023 – 2024, giúp tăng cường nguồn điện ổn định, tin cậy cho khu vực miền Nam và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Gói thầu thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 có dự toán hơn 24.147 tỷ đồng (tương đương 1,044 tỷ USD). Phạm vi công việc bao gồm 2 nhà máy sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới, với cấu hình 1-1-1 (một tua-bin khí, một lò thu hồi nhiệt và một tua-bin hơi). Thời gian thực hiện là 36 tháng.
Gói thầu được triển khai lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, trong bối cảnh hết sức khó khăn khi phải thực hiện các quy định về giãn cách, cách ly và phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ tại giai đoạn cao điểm nhất của đại dịch Covid-19 ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu đã được tổ chức thực hiện theo hình thức “3 tại chỗ”, công tác thương thảo hợp đồng giai đoạn đầu phải thực hiện theo hình thức trực tuyến do các đường bay quốc tế bị hạn chế và nhà thầu Samsung C&T phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định.
Trong quá trình triển khai gói thầu có sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế là PECC2 và FICHTNER (CHLB Đức).
Căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt vào ngày 27/1/2022, nhà thầu trúng thầu là tổ hợp Liên doanh nhà thầu Samsung C&T và LILAMA với giá trúng thầu 942.856.615 USD (tương đương 21.421 tỷ đồng), thấp hơn so với dự toán gói thầu 101,3 triệu USD (tương đương 2.302 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), với tổng công suất của hai nhà máy là 1.624 MW (công suất mỗi nhà máy là 812 MW).
Liên doanh nhà thầu Samsung C&T và LILAMA cũng được đánh giá là tổ hợp nhà thầu có nhiều năng lực và kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án nhà máy điện tại Việt Nam và trên thế giới. Nhà thầu phụ đặc biệt cung cấp thiết bị chính cho Dự án là Tập đoàn GE (Mỹ), là công ty hàng đầu thế giới về công nghệ chế tạo tua-bin khí, tua-bin hơi và lò thu hồi nhiệt.
Dự án sử dụng tổ máy tua-bin khí thế hệ mới nhất của GE là 9HA.02, có công suất tua-bin khí lớn nhất và hiệu suất chu trình hỗn hợp tốt nhất hiện nay, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, PV Power sẽ cùng Liên doanh nhà thầu khẩn trương hoàn thiện, ký kết hợp đồng để sớm triển khai thực hiện dự án đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, xã hội theo đúng quy định của Hợp đồng EPC và các quy định hiện hành của pháp luật.