Nhà máy Cà Mau 1&2 của PV Power sử dụng thiết bị do Siemens cung cấp. |
Nhà thầu lo đầu bài thiên vị
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Dự án Nhơn Trạch 3&4) do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Văn bản số 234/QĐ-TTg ngày 27/2/2019, Bộ Công thương thẩm định Thiết kế cơ sở tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020.
Sau khi được phê duyệt, Hồ sơ mời thầu của gói thầu EPC được phát hành ngày 28/3/2021 và đóng thầu vào ngày 6/7/2021.
Tuy nhiên, do đề nghị của một số nhà thầu, PV Power đã gia hạn thời gian đóng thầu vào lúc 13h30 ngày 6/8/2021 và thời điểm mở thầu vào lúc 14h00 cùng ngày. Dẫu vậy, đến thời điểm đóng thầu hôm 6/8/2021, đã có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Căn cứ điểm a, khoản 4, Điều 117, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, PV Power lại quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu tới 13h30 ngày 23/8/2021 và thời điểm mở thầu là 14h cùng ngày.
Thực tế, trước khi diễn ra việc gia hạn thời gian đóng thầu này, Dự án Nhơn Trạch 3&4 cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận khi Siemens Enegry - một trong 16 đơn vị có mua hồ sơ thầu, đã gửi thư tới nhiều nơi cho rằng, hồ sơ mời thầu mà PV Power đưa ra yêu cầu đối với phiên bản 50 Hz của tua-bin khí là không phù hợp, hạn chế nhà thầu cung cấp phiên bản 60 Hz của dòng tua-bin khí 9000HL, không bảo đảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Dự án.
Theo Siemens Enegry, việc đặt ra yêu cầu đối với phiên bản 50 Hz của tua-bin khí để hoạt động tại thời điểm nộp thầu chủ yếu ảnh hưởng đến Siemens Energy và ngăn cản công ty này tham gia một cách hiệu quả. Phiên bản 60 Hz của tua-bin khí 9000HL của Siemens Enegry đã hoạt động từ tháng 5/2020, còn phiên bản 50 Hz của tua-bin khí 9000HL đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong nửa đầu năm 2022.
Siemens Energy cũng cho rằng, về bản chất, tua-bin 60 Hz là cơ sở cho một tua-bin 50 Hz theo nguyên tắc tỷ lệ đồng dạng, đã là thông lệ tiêu chuẩn của thị trường trong hơn 50 năm qua.
Trước phản ảnh này của Siemens Enegry, ngày 4/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - công ty mẹ của PV Power) đề nghị xem xét, xác minh kiến nghị của nhà thầu, bảo đảm tính cạnh tranh và hiệu quả của Gói thầu, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
Đúng luật và hiệu quả là ưu tiên hàng đầu
Cần phải nhắc lại, so với bất cứ nhà cung cấp thiết bị nào, Siemens Energy có lợi thế hơn hẳn khi cung cấp tua-bin khí và máy phát điện cho 3 trong tổng số 4 nhà máy điện khí mà PV Power sở hữu hoặc tham gia góp vốn, đó là Cà Mau 1&2 cùng Nhơn Trạch 2.
Bởi vậy, nếu Siemens Energy giành chiến thắng ở Gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhơn Trạch 3&4, thì chính PV Power sẽ là người được hưởng lợi bởi sẽ tối ưu được chi phí vật tư dự phòng do nhiều vật tư, thiết bị các nhà máy này có thể sử dụng được của nhau.
Trong Báo cáo 1595/ĐLDK-ĐTXD ngày 5/8 gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PV Power cũng cho rằng, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC, do tua-bin khí và máy phát là trái tim nhà máy, nên tư vấn và chủ đầu tư đã rất thận trọng tìm hiểu kinh nghiệm, lựa chọn tổ máy tua-bin khí trên thế giới và các dự án đã thực hiện tại Việt Nam.
Từ các cơ sở, dữ liệu được phân tích, Ban lãnh đạo PV Power đã đi tới thống nhất không chấp nhận tua-bin khí lần đầu tiên chế tạo hoặc đến thời điểm đóng thầu thiết bị vẫn chưa được kiểm chứng thương mại.
“Hồ sơ mời thầu yêu cầu loại tua-bin khí do nhà thầu chào cho dự án phải đã được cung cấp ít nhất cho 2 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 1 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại là hoàn toàn phù hợp và để giảm thiểu khả năng rủi ro có thể có cho dự án”, đại diện PV Power cho hay.
“Các yêu cầu của Siemens Energy đưa ra không phù hợp với thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định và Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, không tạo sự công bằng giữa các nhà thầu tham gia dự thầu và đặc biệt sẽ rủi ro lớn cho chủ đầu tư”, PV Power cho hay.
Trên thực tế, chủ đầu tư, tư vấn hồ sơ mời thầu cũng đã trao đổi với các hãng sản xuất tua-bin khí và máy phát điện lớn trên thế giới như Siemens, GE, Mitsubishi Power để lập mặt bằng chung về kỹ thuật và đảm bảo tính cạnh tranh, làm cơ sở cho tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Đáng nói là, việc Siemens Energy cho rằng, “tua-bin khí mới nhất 9000HL của Siemens Energy được phát triển, cải tiến liên tục trong 10 năm qua là một sự phù hợp tốt nhất để đáp ứng yêu cầu về hiệu suất cao, nguồn điện đáng tin cậy và chi phí thấp” lại không dễ thuyết phục chủ đầu tư.
Các thông tin công khai cho hay, tua-bin khí SGT5-9000HL tần số 50 Hz của Siemens Energy tới thời điểm này mới bán được duy nhất một chiếc và vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt, xây dựng, chưa được kiểm chứng vận hành phát điện thương mại.
Ngoài ra, tua-bin khí SGT6-9000HL tần số 60 Hz của Siemens Energy lần đầu tiên được lắp tại Nhà máy Lincoln Country (Mỹ) đã được vận hành phát điện giữa năm 2020, nhưng tới nay vẫn đang chạy chu trình đơn để thử nghiệm để đánh giá tối ưu công nghệ và dự kiến sẽ bàn giao cho chủ đầu tư vào năm 2024.
Điều này cũng dẫn tới e ngại rằng, nếu là sản phẩm đơn chiếc thì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa sau này sẽ cao, việc đặt hàng vật tư phụ tùng dự phòng cho vận hành sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.
Cho rằng, “có thể sau khi nghiên cứu, Siemens Energy nhận thấy tua-bin khí SGT5-9000 HL của mình có nhiều lợi thế hơn tua-bin khí của đối thủ khi quy về mặt bằng giá đánh giá, nên đã có thư gửi các nơi nhằm mục đích để chủ đầu tư chấp thuận tổ máy SGT6-9000 HL (450 MW) tần số 60 Hz là tham chiếu về năng lực kinh nghiệm, chứ không hoàn toàn xuất phát từ mong muốn mang lại lợi ích cho chủ đầu tư”, nên PV Power kiên quyết bảo vệ và chịu trách nhiệm về tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh của hồ sơ mời thầu gói thầu EPC đã phát hành.