Qua đó, hỗ trợ, thúc đẩy sự hòa nhập của cộng đồng khiếm thính - điếc/nghe kém và cộng đồng người nghe, tạo thuận tiện trong việc tiếp cận thông tin và sử dụng tất cả các dịch vụ hàng ngày.
Một số vấn đề cần giải pháp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Dân số và Nhà ở, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người điếc/nghe kém, họ rất cần sự hỗ trợ về giao tiếp nhưng khó được đáp ứng vì sự thiếu hụt phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu, cả nước hiện nay có khoảng 20 phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp trong đó tập trung nhiều ở Hà Nội và TP.HCM.
Trong 100 người nghe học ngôn ngữ ký hiệu, chỉ có khoảng 5 người trở thành phiên dịch chuyên nghiệp, khoảng 20 người đủ khả năng để hỗ trợ người điếc/nghe kém trong lĩnh vực của mình, theo số liệu thống kê năm 2021 của công ty Nắng Mới, một đơn vị dạy ngôn ngữ ký hiệu ở TP.HCM. Một trong những khó khăn được đưa ra là thiếu vốn từ vựng và sự khác biệt vùng miền, mặc dù đã có khoảng 2,000 từ vựng mới do dự án Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO) năm 2016, và 4,000 từ do dự án Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu (QIPEDC) năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, việc tìm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục cấp phổ thông, chưa kể nhu cầu học cao đẳng, đại học, trung cấp nghề và học các kỹ năng khác của cộng đồng người điếc/nghe kém là rất lớn.
Giải pháp mang tính chủ động hỗ trợ người điếc/nghe kém
Nhằm giúp cộng đồng người điếc/nghe kém có thể thu ngắn khoảng cách và hòa nhập với mọi người trong cuộc sống hằng ngày tốt hơn, đồng thời giải quyết vấn đề tiếp cận thông tin. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có giải pháp đào tạo ngôn ngữ ký hiệu cho người Nghe nhằm phát triển lực lượng phiên dịch, hay đội ngũ giáo viên biết ngôn ngữ ký hiệu; các dự án của người Điếc tiêu biểu như “Nghe bằng mắt”, “Tay nói mắt nghe” cũng đang tập trung vào việc nâng cao năng lực và sự tự tin của người điếc/nghe kém và nhiều dự án khác.
Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh của xã hội, xu thế áp dụng công nghệ lên ngôi khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng đồng người điếc/nghe kém cần một giải pháp hỗ trợ lâu dài, mang tính chủ động, ít phụ thuộc vào người giám hộ. Thấu hiểu vấn đề này, một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đã đầu tư phát triển dịch vụ phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Với mục tiêu hỗ trợ người điếc/nghe kém tiếp cận thông tin hiệu quả hơn và sử dụng tất cả các dịch vụ một cách thuận tiện nhất.
Từ tháng 11/2021, Samsung Vina đã tiên phong triển khai dịch vụ hỗ trợ khách hàng người điếc/nghe kém đầu tiên tại Việt Nam với các tổng đài viên sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu. Giờ đây, khách hàng của Samsung là người điếc/nghe kém tại Việt Nam đã có thể chủ động giao tiếp và liên hệ để được trợ giúp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm Samsung.