Theo kế hoạch, Dự án Samsung CE Complex (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, sẽ chính thức được khởi công xây dựng ở Khu công nghệ cao TP.HCM vào tuần sau.
Có thể hơi quá khi nói rằng, đây sẽ là một “cuộc chơi mới” của Samsung tại thị trường Việt Nam, bởi thực tế 20 năm trước, tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc này đã xây dựng nhà máy sản xuất ti vi tại Việt Nam - SAVINA.
Việt Nam có thể sẽ trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm ti vi và điện tử gia dụng chủ lực khác của Samsung. Ảnh: Hà Thanh |
Tuy nhiên, SAVINA chỉ là một dự án quy mô nhỏ, với vốn đầu tư ban đầu 36,5 triệu USD, tập trung phục vụ thị trường nội địa. Lúc ấy, Samsung phải liên doanh với Công ty cổ phần TIE để triển khai dự án này. Chỉ tới cuối tháng 7/2013, khi Samsung chi hơn 96 tỷ đồng mua lại phần vốn góp của TIE trong liên doanh thì SAVINA mới chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Vào thời điểm SAVINA thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, dư luận đã đặt câu hỏi, rằng Samsung sẽ ra đi như Sony, hay ở lại như LG? Cũng có người lo ngại, Samsung sẽ tập trung vào thương mại thay vì đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Và câu trả lời hôm nay đã rõ: Samsung đã ở lại. Không những ở lại, họ còn quyết định đầu tư một khu tổ hợp quy mô lớn tại TP.HCM, nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu cho khu vực và toàn cầu.
“Đây là một tổ hợp công nghệ cao tương tự các tổ hợp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, chuyên cung ứng sản phẩm cho thị trường toàn cầu nên tại đây, chúng tôi sẽ sản xuất tất cả dòng sản phẩm ti vi cao cấp nhất, tốt nhất của mình”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SAVINA đã cho phóng viên Báo Đầu tư biết như vậy một tháng trước.
Không chỉ đầu tư cho sản xuất, SEHC sẽ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao. Giai đoạn I tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng như Smart TV, TV LCD, LED…, giai đoạn II sẽ sản xuất sản phẩm gia dụng khác.
Nghĩa là, trên một khía cạnh nào đó, cũng có thể coi SEHC là một “cuộc chơi mới” ở thị trường Việt Nam của Samsung. Thay vì là cứ điểm sản xuất các thiết bị di động, Việt Nam có thể sẽ trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm ti vi và điện tử gia dụng chủ lực khác của Samsung.
Samsung có vẻ như đã chuẩn bị khá kỹ cho việc này, bởi cuối năm ngoái đã tìm kiếm nhà cung cấp linh, phụ kiện cho nhà máy của mình. Thông tin từ Khu công nghệ cao TP.HCM, đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Kết quả cuối cùng chưa được công bố, song động thái này của Samsung khiến dư luận kỳ vọng, SEHC sẽ có bước phát triển thần tốc và đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giống như hai khu tổ hợp của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Không chỉ là giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử và phát triển công tác R&D...
Quay trở lại với câu chuyện của thị trường ti vi Việt Nam. Ngoài các nhà sản xuất trong nước, và nếu chưa tính Samsung, thì LG hiện có thể coi là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Năm 2013, LG đã quyết định đầu tư 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, chuyển toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Hưng Yên và Hà Nội về đây. Nhà máy này đã chính thức khánh thành hôm 27/3 vừa qua và cũng thời điểm ấy, lãnh đạo Tập đoàn LG đã công bố chuyển mảng sản xuất ti vi từ Thái Lan sang Việt Nam ngay trong năm nay để tăng công suất và tiết kiệm chi phí. LG đang sản xuất khoảng 600.000 chiếc ti vi mỗi năm tại Thái Lan. Trong số này, khảng 100.000 chiếc dành cho xuất khẩu.
Giờ thêm dự án của Samsung, Việt Nam có hai tổ hợp chuyên sản xuất ti vi và đồ điện tử gia dụng quy mô lớn. Với quy mô này, hai đại gia điện tử xứ Hàn không chỉ nhắm đến thị trường ti vi nội địa, mà quan trọng hơn, là thị trường ti vi rộng lớn toàn cầu.
Theo thống kê của Hãng nghiên cứu nghiên cứu Witsview công bố hồi đầu năm nay, Samsung và LG là hai cái tên thống trị thị trường ti vi LCD trong 2014. Samsung chiếm 22,8%, LG chiếm 14,9% số ti vi LCD được xuất xưởng trong năm ngoái. Sony đứng vị trí thứ ba, với 6,8% thị phần. Các vị trí còn lại thuộc về TCL, Hisense, Skyworth...
Ngoài các dòng ti vi LCD truyền thống, cả Samsung và LG gần đây đã đặt cược vào các dòng ti vi có công nghệ mới nhất. Ví dụ, Samsung đang đặt kỳ vọng vào SUHD, sau dòng ti vi UHD. Năm 2014, dòng ti vi màn hình cong UHD đã giúp tập đoàn này giữ vững ngôi vị số 1 thế giới trong suốt 9 năm liền khi chiếm 29,4% tổng doanh số ti vi toàn cầu. Tại Việt Nam, Samsung cũng dẫn đầu thị trường với 35% thị phần. SUHD - dòng sản phẩm ti vi mới nhất và cao cấp nhất của Samsung hiện nay, chính thức được ra mắt tại Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES, diễn ra đầu tháng 1 ở Las Vegas (Mỹ) - được cho là sẽ giúp Samsung tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của mình trên thị trường ti vi toàn cầu cũng như Việt Nam.
Cũng cần phải nhắc lại, công nghệ chính là yếu tố giúp Samsung và cả LG lật đổ một cách ngoạn mục “đế chế” Sony. Sony đã từng đi đầu trong lĩnh vực màn hình CRT, đã trở thành thương hiệu điện tử được thèm muốn nhất thế giới. Nhưng quá mải mê CRT, bỏ quên mất LCD, Sony đã thua cuộc. Sau khủng hoảng tài chính 1997, Samsung và LG đã đầu tư hàng tỷ USD vào LCD. Năm 1998, Samsung đã trở thành nhà sản xuất LCD số 1 thế giới. 8 năm sau, vào năm 2006, Samsung chính thức chiếm danh hiệu nhà sản xuất ti vi số 1 thế giới khỏi tay Sony. Và cho tới nay, Samsung vẫn là nhà sản xuất ti vi số 1 thế giới.
Đầu tư mới, công nghệ mới liệu có phải là một khởi đầu hoàn hảo cho Samsung và cho cả Việt Nam?