Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, như Samsung, LG, Canon, Foxconn… đang chờ đợi những quyết định từ phía Việt Nam. |
Hối thúc từ nghị trường
Không nằm ngoài dự đoán, sau những sốt ruột, lo lắng từ các nhà đầu tư nước ngoài, đến lượt các đại biểu Quốc hội hối thúc Chính phủ phải sớm có phản ứng chính sách đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. “Chính phủ cần có những phản ứng chính sách nhanh hơn”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đã nói như vậy.
Thực tế, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ “khẩn trương đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu”. Và khi chất vấn các thành viên Chính phủ tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần kíp của vấn đề này.
“Đề nghị Phó thủ tướng cho biết định hướng hành động và giải pháp đối với vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) thẳng thắn đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên chất vấn.
Các hối thúc là dễ hiểu, bởi chỉ còn nửa năm nữa là đến thời điểm một số nền kinh tế, trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các tập đoàn có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu EUR.
Những tác động của chính sách toàn cầu này đã bắt đầu phát lộ. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, đang chậm lại đáng kể. 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, mà vốn dĩ, 5 tháng đầu năm 2022, con số đạt được (11,71 tỷ USD) cũng đã giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm trên, nhưng có một lý do được nhắc đến khá nhiều, đó là vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Từ đầu năm tới nay, thậm chí trong cả báo cáo trình Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhấn mạnh, việc triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu làm cho các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới, cũng như đầu tư mở rộng đối với các dự án quy mô lớn, để quan sát phản ứng chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, nhằm lựa chọn địa điểm tối ưu và có tính cạnh tranh nhất.
“Các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm đến định hướng chuẩn bị, chính sách của các nước nhằm triển khai thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, để từ đó điều chỉnh chiến lược đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn, như Samsung, LG, Canon, Foxconn… đang chờ đợi những quyết định từ phía Việt Nam. Đã có mối lo về việc rất có thể có các khoản đầu tư lớn sẽ lựa chọn “bến đáp” khác.
Cuối tháng 4/2023, khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này, ông Son Won Sik, thành viên Ban điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kể rằng, gần đây, khi các doanh nghiệp Hàn Quốc bàn về các kế hoạch đầu tư, đều đặt ra câu hỏi: “Nếu không phải Việt Nam thì là nước nào?”. Ắt hẳn, sẽ là những nước có năng lực cạnh tranh tốt hơn và có phản ứng chính sách tốt hơn với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
Thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức đối với các nước thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Chờ đợi tháng 10
Dù Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV chưa kết thúc, nhưng chắc chắn chưa có quyết sách nào về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu được đưa ra, mà ít nhất phải đợi kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng cho biết, đây là vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đánh giá tác động. “Tổ công tác của Chính phủ sẽ đề xuất với Thủ tướng, sau đó trình Chính phủ và trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới, nếu kịp thì trong tháng 10, về những chính sách thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Cũng theo Phó thủ tướng, khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, mà đặc biệt là ưu đãi thuế. Do đó, phải xử lý một cách thận trọng, kỹ lưỡng và đảm bảo không vi phạm cam kết quốc tế.
Khi ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam, trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm nay.
Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Kể từ cuối năm ngoái tới nay, nhiều cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này đã được tổ chức. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam nên áp dụng Thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE để giành quyền đánh thuế bổ sung. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế ưu đãi bổ sung để duy trì năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chủ động nội luật hóa về chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để không mất quyền đánh thuế đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp và sẽ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm duy trì sức cạnh tranh của môi trường đầu tư.
“Bên cạnh các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hiện hành được áp dụng dựa theo lợi nhuận, sẽ xây dựng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo chi phí. Đây cũng là các giải pháp mà nhiều quốc gia trên thế giới, như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ… đang áp dụng mà không vi phạm các quy định của OECD, WTO, các FTA và được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Phương hướng đã có, nhưng cơ chế, chính sách cụ thể thế nào phải đợi tháng 10 tới. Đó là dấu mốc quan trọng mà Việt Nam không thể chậm trễ hơn!