Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sau 1 tháng 1 ngày liên tục được các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật văn bản, Luật Đất đai (sửa đổi) đã sẵn sàng cho việc công bố chính thức. |
Thưa ông, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chậm nhất ngày 2/2/2024, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được công bố. Được biết, các cơ quan hữu quan đã có nhiều ngày làm việc liên tục không kể giờ giấc để rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật văn bản. Là “người trong cuộc”, ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình gian nan này?
Tính đến 21h ngày Chủ nhật (28/1) là ròng rã 1 tháng 1 ngày Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan làm việc liên tục từ 8h sáng cho đến khuya để rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật 260 điều của Luật Đất đai sửa đổi (Luật). Tất nhiên, đó chỉ là giai đoạn cao điểm, còn trước đó thì không thể tính hết những buổi làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là của Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật).
Có thể nói, chưa có luật nào khiến Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội vất vả đến thế. Nhưng đến hôm nay, có thể đảm bảo rằng, toàn bộ 260 điều của Luật đã được rà soát, chỉnh lý, đảm bào tính đồng bộ của chính các điều, khoản và của cả các luật có liên quan.
Ngay từ khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị được trình Quốc hội lần đầu, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ trì hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về bảo đảm tính thống nhất của dự thảo với một số luật có liên quan. Lúc đó, ông Tùng nhấn mạnh, chỉ khi đảm bảo sự đồng bộ thì các quy định của Luật Đất đai mới phát huy được hiệu quả. Vậy đến nay, liệu có thể hoàn toàn yên tâm rằng, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ không còn những chồng chéo, vướng mắc gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thưa ông?
Theo rà soát ban đầu, Luật Đất đai có liên quan đến hàng trăm luật khác, trực tiếp chồng chéo, mâu thuẫn với 22 luật, trong số đó một số luật đã được sửa đổng thời với quá trình sửa Luật Đất đai, như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã trực tiếp sửa một số điều của 8 luật, gồm Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Đầu tư.
Một số luật liên quan cũng đang được sửa đổi như Luật Đấu giá…
Việc sửa này chú trọng đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), nên về cơ bản, những vướng mắc, chồng chéo sẽ được gỡ bỏ khi Luật có hiệu lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chia sẻ rằng có những lúc các cơ quan mất cả một buổi tối mà chỉ rà soát, chỉnh lý được một điều của Luật Đất đai. Vậy nửa tháng từ khi Luật được Quốc hội thông qua có phải là thời gian rất ngắn để hoàn thiện toàn bộ Luật?
Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật vô cùng đồ sộ, có tới 260 điều, trong đó có những điều dài kỷ lục, từ 3-4 trang. Về độ khó, phức tạp thì chắc luật này cũng là số một. Vì thế, đúng là có những nội dung như điều khoản chuyển tiếp phải mất nguyên cả buổi để mổ xẻ, thống nhất chỉnh lý.
Trước khi Quốc hội bấm nút, có những vấn đề về mặt chính sách cũng mất rất nhiều thời gian để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, như khoản 27, Điều 79 về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn. Hay quy định về các phương pháp định giá đất nhiều đại biểu có ý kiến đến tận phiên thảo luận cuối cùng, nên để chốt lại phương án trình Quốc hội bấm nút cũng mất rất nhiều thời gian.
Với các luật được thông qua ở kỳ họp thường lệ thì sau khi Quốc hội thảo luận các cơ quan có khoảng 1 tuần để tiếp thu, bao gồm cả việc chỉnh lý kỹ thuật. Riêng Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua ở Kỳ họp bất thường, nên chỉ có khoảng 2 ngày cho các công việc đó. Vì thế, sau khi Quốc hội thông qua thì thực hiện quy định của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc rà soát để đảm bảo kỹ thuật văn bản, sự thống nhất về nội dung giữa các quy định trong dự thảo là công việc vô cùng quan trọng.
Tất nhiên, chính sách Quốc hội đã thông qua thì không thể thay đổi, song chỉnh lý kỹ thuật để những chính sách đó được sáng rõ, hiểu đúng, thực hiện đúng ở mọi nơi, mọi lúc, là yêu cầu rất quan trọng phải được thực hiện hết sức tỉ mỉ, chu đáo.
Vậy đến nay, còn quy định nào khiến ông cảm thấy băn khoăn khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025?
Quả thật là tôi vẫn có những băn khoăn về các quy định về định giá đất. Luật quy định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/ 2026. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu về đất đai nói chung, dữ liệu đầu vào để có thể xây dựng được bảng giá đất chuẩn hiện nay còn rất mỏng, gần như chưa có gì chắc chắn để áp dụng được ngay. Như vậy, làm sao có thể khắc phục được trong năm 2025 để năm 2026 có thể ban hành bảng giá đất mới.
Nhưng, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nên chỉ có cách duy nhất là tất cả cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ hoàn tất mọi văn bản hướng dẫn dưới luật để có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực của Luật. Khi đó, Luật mới có thể đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực quan trọng cùa đất nước là đất đai.