Đầu tư
Sẵn sàng hạ tầng đón dự án đầu tư Nhật Bản
Gia Hân - 23/08/2013 07:15
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các công ty hạ tầng đầu tư Cụm công nghiệp Đá Bạc và Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 sẽ phải hoàn tất một phần hạ tầng để đón nhà đầu tư Nhật Bản vào quý III/2013.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt các chương trình xúc tiến đầu tư với đối tác Nhật Bản, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thấy, nhu cầu đầu tư vào tỉnh của nhà đầu tư Nhật Bản rất lớn.

Là địa phương có nhiều cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế lớn
trong phát triển kinh tế

Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng xác định được yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản là mong muốn được đầu tư vào các khu công nghiệp có đầy đủ tiện ích.

Vì vậy, tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (999 ha) và Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức, diện tích 75 ha), để quy hoạch thành khu công nghiệp chuyên sâu dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đến nay, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 đã được điều chỉnh quy hoạch và đã khởi công xây dựng từ tháng 6/2013, Cụm công nghiệp Đá Bạc (giai đoạn đầu của Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đá Bạc) được khởi công từ tháng 5/2013 dự kiến sẽ được điều chỉnh thành khu công nghiệp chuyên sâu, với tổng diện tích 1.058 ha.

Cả Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và Cụm công nghiệp Đá Bạc đều có bộ phận “một cửa” hỗ trợ nhà đầu tư, bao gồm hỗ trợ thành lập công ty và xin cấp giấy phép đầu tư, hỗ trợ dịch thuật, thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan, logistics, kho bãi, tuyển dụng và quản lý nguồn nhân lực, nghiệp vụ kế toán, thủ tục kê khai thuế...

Công ty Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 cho biết, Khu công nghiệp sẽ dành ít nhất 300 ha để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông Phạm Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 có thể thu hút đầu tư thuộc nhiều ngành, từ công nghiệp nặng đến công nghiệp nhẹ, như hóa dầu, hóa chất, vật liệu cơ bản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, khuôn mẫu, công nghệ cao, cảng và logistics…

Với tổng vốn đầu tư 7.260 tỷ đồng, được quy hoạch bởi doanh nghiệp tư vấn quốc tế Kikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản), Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 có khu lưu trú dành cho cán bộ, công nhân viên, kỹ sư, chuyên gia với đầy đủ các dịch vụ, như nhà ở, khách sạn, căn hộ cho thuê, trung tâm mua sắm, trường học quốc tế, bệnh viện, công viên, thể thao - giải trí…

Ngoài ra, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 còn cung cấp các nhà xưởng xây sẵn, đáp ứng nhu cầu thiết lập cơ sở hoạt động ngắn và trung hạn cho doanh nghiệp Nhật Bản. Phú Mỹ 3 cũng được cung cấp nguồn khí thiên nhiên, khí hóa lỏng LPG và condensate, đảm bảo nguồn điện, nước ổn định.

Đặc biệt, Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 có vị trí rất đặc biệt, có thể kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông trọng điểm, như Quốc lộ 51 (khoảng 500 m), Quốc lộ 1A (56 km), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (25 km), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Xuyên Á và tuyến cao tốc liên vùng, đường liên cảng và đường liên khu công nghiệp, cách Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 65 km và cách Sân bay quốc tế Long Thành (dự kiến khởi công vào năm 2015) khoảng 25 km.

Lợi thế lớn nhất của Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 là khả năng tiếp cận dễ dàng với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (cách 4 km) - trung tâm logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ phát triển thành đầu mối giao thương thương mại, vận chuyển quốc tế.

Cụm công nghiệp Đá Bạc là mô hình cụm công nghiệp đầu tiên được đầu tư với sự hợp tác của TP. Kawasaki (Nhật Bản), đơn vị kết nghĩa với TP. Vũng Tàu, có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp được đầu tư theo mô hình hiện đại, khác với các cụm công nghiệp truyền thống, được thiết kế bởi Công ty Chodai - Nhật Bản, quy hoạch chi tiết gồm các khu chức năng: đất và nhà xưởng cho thuê phục vụ công nghiệp; các dịch vụ tiện ích khác để hỗ trợ doanh nghiệp, như khu vực dành cho ngân hàng, dịch vụ tài chính, bưu điện; khu nhà ở cho chuyên gia, khu nhà ở cho công nhân, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, phòng khám đa khoa, khu nhà trẻ..., phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của người Nhật Bản.

Vị trí khoảng cách từ Cụm công nghiệp Đá Bạc đến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là 25 km, đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 100 km, Sân bay quốc tế Long Thành 55 km, cách trung tâm hành chính tỉnh 15 km, cách TP. Vũng Tàu 40 km. Hệ thống đường giao thông từ cảng Cái Mép - Thị Vải đến địa điểm quy hoạch Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đá Bạc cũng đã gần hoàn thiện.

Tin liên quan
Tin khác