Trong khi UPCoM đang tăng mạnh về lượng thì tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 5/12/2016, Nhóm công tác thị trường vốn đã nêu kiến nghị đến Chính phủ việc cân nhắc việc loại bỏ sàn UPCoM và OTC trong vòng 3 năm tới, hướng doanh nghiệp thẳng đến sàn niêm yết. Vì đâu?
Vụt lớn và hiện trạng giao dịch
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, riêng tháng 11, trên thị trường UPCoM có thêm 25 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch mới, con số kỷ lục kể từ đầu năm 2016. Những cái tên như C21, RTS, CQT, LQN, XHC, BT1, RTB, SAC, TVU, DND, QBR, NTR, UCT, IFS, HPW, BSG, ACV, VCW, POS, SRT, NS2, HLR, LCW, CMF, HNT lần lượt chào sàn trong tháng này, nâng tổng số cổ phiếu đăng ký giao dịch lên 377 mã.
Với sự gia tăng mạnh mẽ về lượng, vốn hóa thị trường của sàn UPCoM dù thấp xa so với vốn hóa sàn HOSE, nhưng đã chính thức vượt qua sàn niêm yết tại HNX vào ngày 6/12/2016.
Về diễn biến chỉ số, tháng 11, UPCoM-Index giảm 1,28 điểm (-2,16%), đạt mức 58,11 điểm tại phiên giao dịch cuối tháng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 6,81 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 144,08 tỷ đồng/phiên (tăng 5,75% về khối lượng và tăng 62,53% về giá trị so với tháng trước).
Những dữ liệu trên cho thấy, cùng với tăng về loại, về lượng cổ phiếu lên sàn, UPCoM cũng có sự chuyển động về thanh khoản theo hướng tăng dần. Tuy nhiên, mức thanh khoản tuyệt đối còn quá thấp so với quy mô vốn hóa và so với dòng tiền chảy trên 2 sàn niêm yết cho thấy, đa số dòng tiền đầu tư vẫn “lắc đầu” với UPCoM.
Tình trạng cung tăng, nhưng sức cầu không tăng khiến sàn UPCoM đứng trước nguy cơ lệch nghiêm trọng. Đặc biệt, khi không thu hút được nhà đầu tư hoặc thu hút nhưng không đáng kể, việc tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp trên UPCoM cũng như chứng minh tính hiệu của sàn UPCoM dường như trở nên thách thức hơn trong việc thực thi.
Cần một hướng đi mới
Trao đổi với phóng viên, một số nhà đầu tư lớn chia sẻ, họ không bất ngờ khi Nhóm công tác thị trường vốn nêu kiến nghị về sàn UPCoM. Lý do đơn giản, theo góc nhìn của nhà đầu tư, là nếu thanh khoản không được cải thiện, dòng tiền không chảy trên thị trường này thì cổ phiếu chất lên sàn chỉ để… làm cảnh.
Chưa hết, khi cung - cầu không song hành, thị trường trở thành mảnh đất cho những thương vụ làm giá. Trong khi đó, tính minh bạch của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM chưa có sự cải thiện, kênh đầu tư này ngày càng trở nên xa lạ trong mắt các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
UPCoM theo góc nhìn nhà đầu tư chuyên nghiệp là như vậy, nhưng thực tế sàn này cần một cái nhìn toàn diện, mang yếu tố lịch sử để xem xét, đánh giá và định vị bước đi của tương lai. Nói như TSKH. Nguyễn Thành Long, vào năm 2015, khi ông còn làm Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung cần có tư duy đột phá, nhưng cần cả sự bao dung nữa. UPCoM là điển hình trong số này.
UPCoM mở cửa hoạt động năm 2009 sau Quyết định 108/2008 của Bộ Tài chính. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền móng cho việc ra đời và hoạt động của thị trường UPCoM.
Theo đó, sàn UPCoM được định nghĩa là nơi giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc đã bị huỷ niêm yết và cổ phiếu trên sàn này được một thành viên cam kết hỗ trợ (ở đây hiểu là các công ty chứng khoán hỗ trợ việc chịu trách nhiệm về việc đảm bảo điều kiện đăng ký giao dịch, thực hiện các thủ tục cần thiết và hỗ trợ doanh nghiệp công bố thông tin theo quy định).
Quy định về UPCoM được đề cập trong nhiều văn bản pháp quy sau đó, nhưng mạnh mẽ nhất là Nghị định số 60/2015 khi Chính phủ quy định rút ngắn thời gian doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng với việc thực thi nghĩa vụ lên sàn.
Từ khi UPCoM ra đời đến nay, sứ mệnh căn bản trong khát vọng của người khởi tạo vẫn là tạo nên một sàn đầu tư được quản lý thay thế cho kênh đầu tư tự do lan tràn ngoài thị trường (bùng nổ hồi năm 2006 - 2009) và là sàn tập dượt cho các doanh nghiệp trước khi niêm yết.
Nếu xét theo góc nhìn này, UPCoM tồn tại là hợp lý và nó đáng được giữ lại cho đến khi tất cả các doanh nghiệp đại chúng đều đủ tiêu chuẩn bước lên sàn niêm yết cao hơn.
Vậy cần phải ứng xử như thế nào trước sự khác biệt giữa tầm nhìn của nhà quản lý và kiến nghị của nhà đầu tư? Hàng hóa tăng quá nhanh, đặt ra một yêu cầu mới: UPCoM cần có giải pháp thuyết phục nhà đầu tư ở lại, đồng thời với việc chứng minh tính hữu dụng của nó với các chủ thể trong nền kinh tế.
Nếu UPCoM tiếp tục lệch cung - cầu quá lớn và bản chất doanh nghiệp trên sàn này không có gì thay đổi (về minh bạch, về quản trị, về hiệu quả…), sẽ rất khó để tin rằng, những kiến nghị về UPCoM như tại Diễn đàn VBF không xuất hiện trên các diễn đàn của tương lai.