Thời sự
Sản xuất công nghiệp sụt giảm, “bệ đỡ” tăng trưởng bị ảnh hưởng
Hà Nguyễn - 28/02/2023 16:03
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 ước giảm 6,3% so với cùng kỳ. Kinh tế toàn cầu khó khăn, đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến “bệ đỡ” tăng trưởng.

Dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6% - PV).

Đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Lý giải cho sự sụt giảm này, Tổng cục Thống kê cho biết, là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm, nên dễ hiểu vì sao sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm.

Điều đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, ô tô giảm 18,3%; thép cán giảm 15,1%; quần áo mặc thường giảm 14,8%; thép thanh, thép góc giảm 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,3%; xe máy giảm 12,4%; điện thoại di động giảm 9,6%; sữa bột giảm 7,8%; dầu thô khai thác giảm 5,8%; xi măng giảm 5,6%; điện sản xuất giảm 4,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 4,7%...

Trong khi đó, tính theo địa phương, thì IIP 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Có thể ví dụ một số địa phương có IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 2 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, Quảng Nam giảm 38,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 18,2%; Vĩnh Long giảm 15,7%; Sóc Trăng giảm 15,5%; Lai Châu giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 10,4%; Bắc Ninh giảm 9,1%; Quảng Ngãi giảm 8,5%...

Điều này cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Việc kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, cũng là một chỉ báo cho thấy, sản xuất công nghiệp trong những tháng tới đây có thể tiếp tục gặp khó.

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Một khi khu vực này gặp khó, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2023.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan
Tin khác