Thời sự
Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó vì Covid-19
Nhã Nam - 29/08/2020 14:58
Dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương trong cả nước, đã khiến sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 giảm 0,6% so với cùng kỳ.

.

Công bố các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020, Tổng cục Thống kê thừa nhận: sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương trên cả nước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong giai đoạn 2012 trở lại đây, sản xuất công nghiệp 8 tháng luôn ở mức khá cao, lần lượt là 6,3%; 5,4%; 6,5%; 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5%; 2,2%. Năm nay, là ở mức tăng thấp nhất, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018, cũng như mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong mức tăng chung này, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Như vậy là việc ngành chế biến, chế tạo có mức tăng thấp, trong khi ngành khai khoáng giảm mạnh là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến sản xuất công nghiệp chỉ tăng thấp trong 8 tháng qua.

Khó khăn là dễ hiểu khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn. Trong bối cảnh ấy, việc Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. 

Theo Tổng cục Thống kê, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.

Chẳng hạn, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng - giảm 23,3%; sản xuất xe có động cơ - giảm 14%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị - giảm 7,8%; sản xuất đồ uống - giảm 6,9%; sản xuất trang phục - giảm 4,2%...

Tuy nhiên, điều đáng mừng là, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu - tăng 26,2%; tiếp đó là khai thác quặng kim loại - tăng 14,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế - tăng 10,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá - tăng 8,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - cùng tăng 7,8%.

Covid-19 đã tác động nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Bằng chứng là một số ngành công nghiệp chủ lực giảm sâu, ảnh hưởng tới tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.

8 tháng qua, sản xuất bia đã giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 14%; ô tô giảm 12,5%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,4%; sắt, thép thô giảm 7,8%; xe máy giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,5%; điện thoại di động giảm 4,4%; thép cán giảm 3,4%...

Một khi việc sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực này còn giảm sâu, thì tốc độ tăng của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Sản xuất công nghiệp gặp khó cũng ảnh hưởng tới việc làm của người dân. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2020 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Lao động thất nghiệp hoặc bị giảm việc làm, giảm thu nhập chính là một trong những nỗi lo lớn nhất của nền kinh tế hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác