Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc |
Quy định chế tài hình sự đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phải ngồi tù tới 20 năm, đã được dư luận quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên thực tiễn công tác đấu tranh, xử lý không hề đơn giản.
Nhìn đâu cũng ra vi phạm
Ngày 27-4, Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 11, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm của ông Kim Văn Tuấn ở Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở này đang trong quá trình chế biến, sơ chế một khối lượng lớn chân, đuôi, tai, sách từ bò, bê.
Chủ cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh và các giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của số hàng trên nên tổ công tác đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Kim Văn Tuấn, buộc tịch thu tiêu hủy toàn bộ hơn 2 tấn sản phẩm động vật này theo quy định.
Điển hình của vi phạm thực phẩm “bẩn” thời gian gần đây là cơ sở chế biến mỡ tại tổ Kha Lâm 3, phường Nam Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng. Cuối tháng 4 vừa qua, UBND quận Kiến An đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 50 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Liễn (57 tuổi), chủ cơ sở chế biến mỡ về hành vi sản xuất, kinh doanh mỡ bẩn. Cơ quan chức năng lập biên bản tiêu hủy hơn 2 tấn mỡ bẩn và nguyên liệu bị thu giữ.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự với mức hình phạt lên tới 20 năm tù đối với đối tượng vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nếu họ biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ người khác mà vẫn chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2015 đến khi bị phát hiện, cơ sở của bà Liễn đã 4 lần bị các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản thu giữ, tiêu hủy hàng chục tấn mỡ bẩn và xử phạt hành chính số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã ở mức báo động nhưng trong vòng 5 năm qua, theo ghi nhận, rất ít vụ việc bị xử lý hình sự. Năm 2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ án Nguyễn Duy Vường - Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội cùng 2 nhân viên là Trần Xuân Mạnh và Đặng Văn Cảnh có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người tại Quảng Ninh.
Hiện tượng thực phẩm “bẩn” lan tràn trên thị trường đã khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an. Bà Đỗ Thị Vân, ở tổ 58, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, hầu như ngày nào trên báo chí, truyền hình cũng đưa tin phát hiện, bắt giữ thực phẩm “bẩn” khiến người dân đi chợ chẳng biết mua gì, vì ăn gì cũng sợ độc hại. Một số gia đình có điều kiện đã chuyển sang mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, số còn lại vẫn buộc phải mua thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng vừa ăn… vừa lo.
“Thực phẩm bẩn gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng nhưng người sản xuất, buôn bán những mặt hàng này vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Họ ngang nhiên vi phạm, đến khi bị phát hiện, xử phạt lại tiếp tục tái phạm vì số tiền phạt chẳng đáng là bao so với món lợi họ thu được. Không biết đến bao giờ, thực trạng này mới được giải quyết triệt để”, bà Đỗ Thị Vân băn khoăn.
Vì sao khó xử lý “mạnh”?
Liên quan đến việc xử lý tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự hiện hành về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định chế tài đối với hành vi này; nhưng tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ. Hơn nữa, hầu hết những người tiêu dùng không biết hoặc không mạnh dạn tố giác người có hành vi phạm tội nên không có căn cứ xử lý.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra hậu quả, để xử lý được đồng thời phải giám định chất đó, nếu gây chết người phải giám định nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống gây ngộ độc không. Điều này là không đơn giản bởi có trường hợp ăn uống sau từ 1-2 ngày mới có biểu hiện bị ngộ độc. Do vậy, cần có danh mục sử dụng chất cấm để có căn cứ khi xử lý và xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm… gây tổn hại cho sức khỏe con người thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.
Người vi phạm nếu thực hiện các hành vi nói trên có tổ chức, làm chết người, tái phạm nhiều lần, nguy hiểm… khung hình phạt sẽ mở rộng với mức cao nhất là 20 năm tù thay vì 15 năm như luật cũ. Số tiền bị phạt cũng lên tới 500 triệu đồng.
Công tác trinh sát, phát hiện các đường dây, đối tượng vận chuyển, mua bán, sản xuất thực phẩm “bẩn” vốn không đơn giản song, việc xử lý nghiêm, tạo được tính răn đe, phòng ngừa, lâu nay còn khó hơn nhiều. Theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, mức án phạt cao nhất 15 năm tù nhưng khó khăn trong thực hiện bởi cơ quan điều tra thường gặp khó trong định lượng tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cũng như nguyên nhân dẫn đến hậu quả có phải do thức ăn, đồ uống gây ngộ độc hay không. Tới đây, theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, những khó khăn này đã có đường hướng để tháo gỡ. Việc bám sát, vận dụng và thực hiện nghiêm chế tài có thể sẽ khiến tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm bớt “nóng”.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn (Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, CAQ Long Biên, Hà Nội)
Rõ tiêu chí “sạch - bẩn” sẽ thuận lợi trong xử lý
Theo quy định cũ, phải có hậu quả xảy ra thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” mới bị xử lý hình sự. Trong khi đó, hậu quả đối với người ăn phải thực phẩm “bẩn” đa phần không bộc lộ ngay mà thường phát tác sau nhiều năm. Một vấn đề khác theo tôi là, ai cũng nói thực phẩm “bẩn” nhưng thế nào là “bẩn”, mức độ nào là “bẩn”, dường như lại chưa được quy định rõ. Đơn cử như có những vụ việc, bằng cảm quan rõ ràng là thực phẩm “bẩn” (nơi sơ chế, nguồn gốc nguyên vật liệu tạm bợ, không rõ ràng), nhưng khi trưng cầu chất lượng, mẫu vật thu giữ… thì vẫn đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Thế nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính lỗi nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc và tịch thu tiêu hủy chứ chưa thể “động” được “gốc” của vi phạm là ý thức, sự thiếu trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Theo tôi để luật có hiệu lực, thì các tiêu chí bổ trợ, định lượng sạch - bẩn càng rõ, càng dễ dàng cho lực lượng chức năng trong công tác xử lý.
Ông Nguyễn Huy Cương (Đội trưởng Đội QLTT số 15, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội)