Doanh nghiệp
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn lắm gian nan
Nguyễn Ngân - 06/10/2022 14:01
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Thị trường đang rộng mở, nhưng các doanh nghiệp theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho biết là vẫn còn lắm gian nan.
Ảnh minh họa

Theo ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail, đại dịch Covid-19 chính là dịp để người tiêu dùng chú ý hơn tới sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng sức mua các thực phẩm hữu cơ.

Nghiên cứu thị trường của cơ quan chức năng cho thấy, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Hầu hết tăng trưởng đến từ châu Á.

Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Trong đó, rau quả hữu cơ, đặc biệt trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỷ lệ lớn. Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.

Cơ hội là vậy, song ông Bùi Hồng Quân, Phó chủ tịch HĐQT Vinamit cho biết, doanh nghiệp khi sản xuất thực phẩm hữu cơ phải thực sự tâm huyết mới có thể kiên trì theo con đường này, bởi khi bắt đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao, thiếu kinh phí, vốn đầu tư...

Vinamit có nông trại gần 200 ha tại Bình Dương, đã 7 năm nay chuyên trồng rau củ quả hữu cơ. Hiện doanh nghiệp cung cấp khoảng 3-4 tấn rau/ngày cho các siêu thị tại TP.HCM và bán lẻ trên hệ thống mình. Điều đáng nói, giá bán rau của Công ty khá cao, từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, bởi vậy khó cạnh tranh.

“Tôi có thể khẳng định, không thể làm rau hữu cơ đúng nghĩa với giá thành dưới 80.000 đồng/kg. Ở trang trại của chúng tôi, để cho ra đời những sản phẩm rau hữu cơ hoàn toàn không có chất hóa học, không có phân bón, đầu tiên chúng tôi phải nuôi đất để cho độ phì của đất và hàm lượng vi sinh vật trong đất phải có đủ, vì nếu không cây rau sẽ bị sâu bệnh. Chúng tôi còn phải đầu tư về con người với đội kỹ sư hơn 30 người, được đào tạo bài bản về cách làm nông nghiệp hữu cơ. Ở mỗi trang trại, chúng tôi lại xây dựng một trung tâm sinh học với phòng lab hiện đại để tiến hành nghiên cứu các loại vi khuẩn, nấm bệnh trong đất gây hại cho rau ở khu vực đó. Cây rau sau khi cắt phải lập tức đưa vào phòng lạnh 15 độ trong vòng 20 phút…”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cho biết nguyên nhân giá thành rau cao và khẳng định, giá bán như hiện nay của công ty không có lãi.

Thực tế trên không chỉ câu chuyện của Vinamit. Tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” tổ chức mới đây tại TP.HCM, các nhà sản xuất như Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quốc tế TH Group, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty TNHH MEDIFOOD.IO cũng cho biết, hiện chi phí để sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất đắt đỏ, nhưng giá thành bán ra phải rẻ. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt chuẩn hữu cơ USDA, nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn nên vẫn phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.

Bàn về giải pháp để đẩy mạnh sản xuất thực phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, để tạo hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp, người nông dân, người tiêu dùng đều phải hy sinh.

“Chúng ta muốn tồn tại phải nhờ vào hoạt động sản xuất của người nông dân; nông dân càng khỏe mạnh thì doanh nghiệp, người tiêu dùng càng khỏe mạnh. Ngược lại, người nông dân phải biết tri ân doanh nghiệp, người tiêu dùng bằng việc chuyên tâm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mối liên kết mới bền chặt, hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ mới ngày càng được mở rộng”, ông Lam nói.

Theo các chuyên gia, khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông sản hữu cơ, Nhà nước cần quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng chính sách nào. Đồng thời, Nhà nước phải có giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay.

Ở góc độ nhà quản lý chuyên môn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, còn cần hoàn thiện chuỗi nông sản hữu cơ; hoàn thiện chính sách liên quan đến khuyến nông cộng đồng, mô hình, thị trường, thì việc sản xuất nông sản hữu cơ ở Việt Nam mới bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả trong và ngoài nước.

Tin liên quan
Tin khác