“Khởi sắc” là cụm từ được Tổng cục Thống kê dùng khi công bố số liệu về tình hình sản xuất công nghiệp trong quý I/2024.
“Sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế |
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%, làm giảm 0,20 điểm phần trăm.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Trong số các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, có thể kể đến Quảng Ninh (tăng 39,9%); Phú Thọ (tăng 27,7%); Bắc Giang (tăng 24%); Thanh Hóa (tăng 18,6%); Hà Nam (tăng 17,9%); Ninh Thuận tăng (17,4%)…
Nhưng ngược lại, vẫn có những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, Bắc Ninh vẫn tiếp tục giảm tới 8,8%, Cà Mau giảm 9,5%; còn Quảng Nam tăng 0,5%...
Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước |
Đáng chú ý, trong các sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2024, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khí đốt thiên nhiên dạng khí và điện thoại di động cùng giảm 13,3%; ô tô giảm 11,3%; ti vi giảm 11,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,0%; linh kiện điện thoại giảm 5,3%; xe máy giảm 5,2%.
Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp tuy đã khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn. Sản xuất công nghiệp gặp khó khiến tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương vẫn tăng trưởng âm. Trong đó, đáng chú ý có Đà Nẵng, Bắc Ninh… Điều này cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024 tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).
Trong khi đó, Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2024 là 68,7% (bình quân quý I/2023 là 81,1%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2024 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Tất cả các chỉ số này đều cho thấy xu hướng tích cực hơn của sản xuất công nghiệp. Kỳ vọng khi khu vực này tiếp tục khởi sắc, sẽ dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong những quý sau của năm 2024.