Thời sự
Sản xuất xi măng đạt 115 triệu tấn vào năm 2020
Thế Hải - 30/01/2015 11:26
() Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 134/QĐ-TTg, ngày 26/1/2015, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 – 2020.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
FICO trước giờ cổ phần hóa
10 thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam
Xi măng Đô Lương đã về tay Tập đoàn Xi măng The Vissai
Vicem quyết cứu xi măng Sông Thao
SCIC rút dần vốn khỏi xi măng

Trong Đề án tái cơ cấu này, ngành vật liệu xây dựng có những định hướng phát triển khá cụ thể với phương châm mục tiêu, sản lượng vật liệu xây dựng thông thường đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.

Chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước, một số đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững, bình quân khoảng 10%/năm, Đề án đã đưa ra con số sản xuất cụ thể của từng nhóm hàng..

Sản xuất xi măng sẽ đạt 115 triệu tấn vào năm 2020

Theo đó, đến 2020, sản xuất của ngành xi măng đạt khoảng 115 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 15%.

Gạch gốm ốp lát và đá ốp lát đạt khoảng 570 triệu m2, xuất khẩu khoảng 25%.

Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh ước đạt 21 triệu sản phẩm, xuất khẩu khoảng 16%. Gạch xây sản lượng ước đạt 30 ty viên quy tiêu chuẩn, trong đó vật liệu xây không nung chiếm 40%.

Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cũng chỉ rõ, đầu tư sản xuất các vật liệu cao cấp có giá trị lớn phục vụ thi công các công trình có yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, hạn chế nhập khẩu, đến năm 2020 giảm từ 50-60% khối lượng vật liệu cao cấp nhập khẩu.

Theo đó, Chính phủ định hướng tái cơ cấu lĩnh vực vật liệu xây dựng như sau. Phát triển vật liệu xây dựng phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo cân đối cung-cầu trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Duy trì sự ổn định của thị trường xi măng và các loại vật liệu xây dựng chủ yếu. Tăng cường quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Điều chỉnh cơ cấu hàng hóa đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu phải sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu. Trong đó đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như gạch gốm ốp lát, đá ốp lát tự nhiên, sứ vệ sinh, kính phẳng, vôi công nghiệp.

Đối với các vật liệu hoàn thiện cao cấp phải tăng cường sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung, ưu tiên phát triển các vật liệu địa phương, vật liệu tại chỗ nhằm phát huy lợi thế, giảm chi phí vận chuyển.

Ưu tiên đầu tư công nghệ mới, tiên tiến, thiết bị hiện đại sản xuất ra các sản phẩm vật liệu xây dựng hoàn thiện cao cấp, có tính năng vượt trội, có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn, phục vụ tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.

Đặc biệt, việc tái cơ cấu đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng  phải thực hiện theo hướng tăng dần quy mô sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hình thành các cơ sở chế biến nguyên liệu, các khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tập trung, quy mô lớn công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Thực hiện áp dụng định mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, triển khai áp dụng các công nghệ vật liệu mới, vật liệu nano sử dụng cho ngành xây dựng. Từng bước hiện đại hóa công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, tiêu hao ít năng lượng, kết hợp với nâng cao chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh việc sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Tin liên quan
Tin khác