Sáng nay (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự kiện diễn ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững Vùng Tây Nguyên |
Với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”, Hội nghị được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững” cũng sẽ được tổ chức, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người vùng Tây Nguyên, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Tây Nguyên.
Hội nghị "ba trong một" này là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Vùng Tây Nguyên, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên giậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”.
Thông tin cho biết, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng đất Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua. Quy mô kinh tế của Vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. GRDP bình quân của toàn Vùng trong giai đoạn 2002-2020 tăng 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế…
Hàng loạt mục tiêu cụ thể đã được đưa ra. Đó là, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%...
Quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 23 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối. Và ngay sau khi Chương trình hành động được ban hành, Chính phủ bắt tay vào thực thi.
Hội nghị hôm nay vì thế được kỳ vọng là sự khởi đầu cho một cơ hội phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên.
Tiềm năng lớn của vùng đất Tây Nguyên đang chờ được khai phá |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị ngày hôm nay sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Cùng với đó, việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 23-NQ-TW có thể được hiện thực hóa.
Dự kiến, tại Hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.