Các doanh nghiệp đã phải trải qua những cuộc sàng lọc không dễ dàng để có tên trong Top 10, Top 100, Top 200 Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Ảnh: Chí Cường |
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản An Thịnh Hòa Bình, ông Đinh Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phía Bắc là những trưởng đoàn thẩm định… đáng ngại của các ứng viên Sao Vàng đất Việt năm nay. Trong số hơn chục doanh nghiệp do trưởng đoàn đề nghị loại sau vòng thẩm định thực tế, 3 trưởng đoàn này đã góp phần lớn, trong đó có không ít thương hiệu vốn tiếng tăm.
“Đến một doanh nghiệp dệt may, chúng tôi đặt câu hỏi, doanh nghiệp chuẩn bị thế nào cho cạnh tranh, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã vào giai đoạn đàm phán cuối. Câu trả lời nhận được là sự im lặng từ lãnh đạo doanh nghiệp. Câu hỏi về thương hiệu cũng có phản hồi tương tự. Đây là một thương hiệu từng có tiếng tăm nhưng giờ đã không còn sức sống nên chúng tôi đề nghị loại”, ông Cao Hoài Dương lý giải trước cuộc họp với 46 thành viên của Hội đồng chung tuyển bình chọn Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2015…
Trong suốt 12 tiếng làm việc liên tục, từ 8:30 sáng tới 20:30 tối, ông Dương cũng như các trưởng đoàn khác không chỉ một lần đứng lên giải trình như trên. Trong trường hợp của doanh nghiệp trên, người được giao quyền điều hành Cuộc họp là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đã quyết định biểu quyết. Kết quả là thương hiệu của quá khứ này bị loại khi tiềm năng phát triển đã tới hạn.
Cũng phải nói thêm, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập là một tiêu chí đã loại hoặc hạ bậc khá nhiều thương hiệu trong lần bình chọn thương hiệu Sao Vàng đất Việt năm nay. Có doanh nghiệp lấy đi cả nửa tiếng Hội đồng chung tuyển để cân nhắc cơ hội những năm tới khi mà ngành nghề của họ phụ thuộc vào một số doanh nghiệp khác.
“Tôi phải lấy chính uy tín của mình để trao đổi với các thành viên Hội đồng về trường hợp này, quyết định đưa doanh nghiệp này ra khỏi Top 100. Tôi đánh giá cao tinh thần kinh doanh của chủ doanh nghiệp, nhưng không muốn một thương hiệu Top 100 Sao Vàng đất Việt sẽ mờ mịt sau khi được vinh danh vì tính phụ thuộc cao vào điểm tựa không vững chắc”, ông Trần Bá Dương thẳng thắn.
Con số 96 doanh nghiệp Top 100 Sao Vàng đất Việt năm 2015 đã được công bố với nguyên tắc không du di của Hội đồng bình chọn.
Giá trị Việt
Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2015 được đánh giá là một thành công của Giải năm nay khi hội tụ các thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Đó là VinGroup, FPT, VietinBank, May Việt Tiến, Tôn Hoa Sen, Thaco, PetroVietnam Gas, Hòa Phát, Cao su Đồng Nai và Sơn Hà.
Có những doanh nghiệp lần đầu góp mặt như Sơn Hà, PetroVietnam Gas, VinGroup, Cao su Đồng Nai, nhưng có những thương hiệu gần như mùa nào cũng xuất hiện trong top 10 kể từ khi Sao Vàng đất Việt chia tốp từ năm 2008, như Thaco, FPT, Tôn Hoa Sen, May Việt Tiến hay VietinBank.
“Khi doanh nghiệp lớn quyết định tham gia bình chọn, họ đánh cược thương hiệu của họ với chất lượng giải thưởng. Điều đó, buộc chúng tôi phải thực sự nghiêm khắc với chính mình để bảo vệ giá trị của Giải thưởng. Tôi tin là các thương hiệu Top 10 thực sự hài lòng”, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn chia sẻ sau khi Top 10 lộ diện.
Thực ra, không dễ để các thương hiệu hàng đầu hài lòng. Ông Trần Bá Dương khi ở vai Chủ tịch Thaco thừa nhận, các doanh nghiệp đều muốn biết mình sẽ đứng cùng với thương hiệu nào. “Đây là lý do tôi và các thành viên Hội đồng bình chọn đều có trách nhiệm với lá phiếu của mình, bảo vệ lá phiếu của mình. Nếu không đảm bảo chất lượng của thương hiệu được tôn vinh, thị trường sẽ đánh giá cả thương hiệu, uy tín của Giải thưởng”, ông Dương nói.
Điểm thuận lợi nhưng cũng thêm tạo vất vả trong các quyết định chọn lựa của Hội đồng bình chọn năm nay không chỉ là sự trở lại của các thương hiệu, các doanh nghiệp lớn, mà còn là sự xuất hiện của những gương mặt mới nhưng đầy năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu… như Nam Miền Trung trong lĩnh vực sản xuất tôm giống, Hiền Lê sản xuất chi tiết nhựa chính xác, CMC SI Sài Gòn trong giải pháp tích hợp hệ thống của lĩnh vực công nghệ thông tin… Sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã vượt lên, không chỉ ghi tên vào thị trường xuất khẩu, mà còn đang dành lại chỗ đứng vững chắc tại sân nhà khi mà thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa cùng loại đã về 0%.
Điều đáng nói, đúng như đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phần lớn các doanh nghiệp đoạt giải cao là những doanh nghiệp đi lên từ bàn tay, khối óc, sự nhiệt huyết và khát vọng kinh doanh của những doanh nhân thực sự.
“Chính yếu tố này góp phần tạo nên năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin rằng, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nằm chính ở năng lực cạnh tranh cốt lõi, triết lý kinh doanh rõ ràng chứ không chỉ là quy mô doanh nghiệp”, ông Tiến khẳng định.
Sức mạnh của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt lớn dần lên chính từ sự lớn mạnh bền bỉ của thương hiệu Việt chứa đựng giá trị Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế.