Tài chính - Chứng khoán
Sắp chuẩn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chí Tín - 01/02/2016 09:39
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ hoàn thành Đề án Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngay trong quý I/2016. Tiếp đó, Đề án sẽ được trình Bộ Tài chính trong quý II/2016 để có thể đưa vào vận hành thị trường này từ năm 2017.
HNX sẽ hoàn thành và trình Đề án Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngay trong quý I/2016

Thực chất, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra lẻ tẻ thời gian qua. Trong năm 2015, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ, sàn HOSE) đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo. Đợt phát hành của Phú Nhuận được thực hiện để thay thế cho kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5:1) cho cổ đông hiện hữu. Mục đích huy động vốn của Phú Nhuận trong lần phát hành này là mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu vốn giai đoạn cuối năm 2015, đầu 2016.

Phú Nhuận không phải là trường hợp quá hiếm hoi chọn trái phiếu làm kênh huy động vốn. Công ty cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Visaco cũng đã phát hành riêng lẻ 30 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với thời hạn 24 tháng. Lãi suất năm đầu 11%/năm, năm tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu của các ngân hàng với phần bù 4%/năm. Trái chủ được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc nhận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền. Có 2 đợt chuyển đổi: 50% sau 1 năm phát hành và 100% sau 2 năm phát hành (khi trái phiếu đáo hạn).

Đại gia ngành bất động sản là Tập đoàn Hà Đô (mã HĐG, sàn HOSE) cũng là một doanh nghiệp biết tận dụng khá tốt kênh huy động vốn thông qua trái phiếu. Theo đó, cuối năm 2015, công ty này đã hoàn tất 2 đợt phát hành trái phiếu: đợt 1 huy động 200 tỷ đồng, đợt 2 có quy mô lớn gấp đôi với tổng giá trị 400 tỷ đồng.

Tất cả trái phiếu do Hà Đô phát hành đều có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá. Lãi suất năm đầu 9,7% và các năm còn lại được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của bình quân 4 ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cộng thêm 3,2%.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn sơ khai. Trái phiếu sau khi phát hành thường khó giao dịch mua đi bán lại, chưa có căn cứ khoa học và đồng nhất cho việc xác định lãi suất trái phiếu khi phát hành.

Ông Quách Hùng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, hiện nay tỷ trọng dung lượng trái phiếu doanh nghiệp so với GDP còn rất khiêm tốn. “Trong khi đó, các quy định pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp còn tương đối sơ sài và chưa có hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách cho tổ chức phát hành, cũng như các nhà đầu tư để phát triển thị trường”, ông Hiệp nói.

Theo một số nhà chuyên môn, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển do phải “chờ” thị trường trái phiếu chính phủ. Bởi lẽ, thị trường trái phiếu chính phủ hoạt động ổn định thì mới có các thông số tham chiếu (lãi suất, kỳ hạn...) cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến thời điểm này, thị trường trái phiếu chính phủ đã đi vào quỹ đạo và việc tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp được coi là đã đến thời điểm chín muồi.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Tài chính, dư nợ toàn thị trường trái phiếu năm 2015 đạt 994.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chính phủ đạt 678.600 tỷ đồng, bằng 15,76% GDP (năm 2014 là 13,84% GDP). Tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2015 đạt khoảng 255.000 tỷ đồng (tăng 9% so với 2014), kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,1 năm (tăng 2,15 năm so với năm 2014). Ngoài ra, theo thống kê từ HNX, khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ niêm yết trên thị trường thứ cấp năm 2015 đạt gần 3.700 tỷ đồng/phiên (tăng gần 3% so với năm 2014).

Tin liên quan
Tin khác