Theo thống kê của Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) tại buổi họp tổng kết năm, trong năm 2014, trái phiếu chính phủ được phát hành lên đến 248.024 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013 và tương đương 6,24% GDP. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp (tính riêng khối lượng phát hành riêng lẻ) chỉ đạt 22.922 tỷ đồng, giảm 33,4% so với năm 2013 và chỉ tương đương chưa tới 1% GDP.
So với các nước trong khu vực, thị trường trái phiếu Việt Nam có quy mô rất nhỏ, nên còn nhiều cơ hội để phát triển |
Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP là 2,5%, trong khi dư nợ của trái phiếu chính phủ so với GDP là 12,84%. Như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là bị “lãng quên” so với thị trường trái phiếu chính phủ.
So với năm 2013, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua có một số đặc điểm khác biệt như sau:
Thứ nhất, thành phần phát hành đa dạng hơn, trong đó có nhiều gương mặt mới niêm yết (KBC, VNE, BLF, MSN, NVT, HVG, NBB, NLG, KSS, DIC, FLC...). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ khác cũng đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu, nhưng chưa thực hiện thành công trong năm 2014. Trong khi đó, năm 2013, trong danh sách nhà phát hành có nhiều tập đoàn lớn, như BIDV, Vingroup, IPA, VIPD… với khối lượng phát hành rất lớn. Có một số doanh nghiệp quy mô lớn phát hành trái phiếu trong cả 2 năm qua, như CII, HAG, MSN, Vinacomin, VPBank.
Thứ hai, về khối lượng phát hành, trái phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết có quy mô nhỏ thường ở mức thấp, ở mức từ 50 đến 350 tỷ đồng. Trong khi đó, trong năm 2013, ngoại trừ một vài doanh nghiệp phát hành từ 7,5 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, các doanh nghiệp còn lại đều phát hành trái phiếu với quy mô hàng ngàn tỷ đồng.
Thứ ba, xu hướng phát hành trái phiếu chuyển đổi của các doanh nghiệp niêm yết tăng lên trong năm 2014. Một số thương vụ lớn có thể kể đến như KBC (1.200 tỷ đồng), CII (1.128 tỷ đồng), NVT (230 tỷ đồng), KSS (100 tỷ đồng), BLF (50 tỷ đồng)... Có một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi nhưng chưa thực hiện được trong năm 2014, như HUT (100 tỷ đồng), TMS (100 tỷ đồng). Hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi này đều được thực hiện bằng hình thức phát hành riêng lẻ, với giá chuyển đổi hấp dẫn có lợi cho người nắm giữ trái phiếu.
Mặt bằng lãi suất cho vay (trong các tổ chức tín dụng) giảm 2% so với mức bình quân năm 2013 và thấp hơn nữa ở các lĩnh vực được ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa). Nhìn chung, lợi suất trái phiếu các doanh nghiệp phát hành đã giảm cùng chiều so với tốc độ giảm của mặt bằng lãi suất, song vẫn cao hơn lãi suất vay ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc đến chi phí phát hành hợp lý (biến động theo hình thức phát hành và chi phí tư vấn), sự tiện lợi và nhanh chóng được giải ngân, thì trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh gọi vốn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.
Kỳ hạn phát hành của trái phiếu doanh nghiệp dao động từ 1 đến 10 năm, tập trung ở các kỳ hạn 3 - 5 năm. Bên mua chủ yếu là các ngân hàng hoặc các nhà đầu tư chiến lược, với mục địch để đảo nợ.
So với các nước trong khu vực, thị trường trái phiếu Việt Nam có quy mô rất nhỏ, nên còn nhiều cơ hội để phát triển.
Trong khi Malaysia phát hành trên 40.622 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2012 và giảm dần xuống 29.651 triệu USD năm 2014, thì Việt Nam chỉ ghi nhận khoảng 196 triệu USD, tăng lên mức kỷ lục năm 2013 với 1.774 triệu USD, nhưng lại giảm còn 749 triệu USD trong năm 2014.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất khiêm tốn do thị trường thứ cấp chưa phát triển, thông tin chưa được công bố rộng rãi, nên tính thanh khoản ở thị trường sơ cấp bị ảnh hưởng mạnh. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu vắng đơn vị đánh giá tín nhiệm độc lập để xác định mức độ tín nhiệm của trái phiếu giúp nhà đầu tư quyết định chính xác. Bộ Tài Chính mới chỉ bước đầu xây dựng chế tài về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thông qua Nghị định 88/2014/NĐ-CP.
Bảo Ngọc (Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán VPBank)