Chiều 25/9, tại Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành và các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, quốc tế… thuộc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông tin, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, Dự thảo kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một. Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp, có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Lê Toàn) |
Thứ nhất là hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn. Thứ 2 là hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ. Thứ 3 là thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, còn có nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải. Như chúng ta đã biết, mấu chốt nhất của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.
Chính vì vậy hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình, việc quản lý chất thải theo vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để tạo hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
"Đặc biệt, với chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Đồng thời xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn", Thứ trưởng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng, học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.
Đồng thời có những quy định về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm sản xuất ra. Đây cũng là những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khu vực đã áp dụng.
Trong thời gian sắp tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường, tạo điều kiện khuyến khích hơn nữa phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Về kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm, thế giới đã thực hiện kinh tế tuần hoàn từ lâu và Việt Nam cũng có thực hiện. Nhưng trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số… thì vấn đề này mới được quan tâm thỏa đáng, với mục tiêu đưa kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế, phong trào.
Đảng Cộng sản Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng được các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện.
Chủ trương của Đảng đã rất rõ, pháp luật đang được hoàn thiện dần. Việt Nam nói chung và Chính phủ nói riêng đang tập trung vào 2 nội dung: Nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân, mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.