Kiểm dịch các lô hàng trái cây tươi để xuất khẩu sang thị trường Mỹ |
Nhằm đánh giá tổng thể chặng đường 25 năm bình thường hóa quan hệ và định hướng phát triển thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh hậu bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hậu dịch Covid 19 và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) tổ chức chương trình “Diễn đàn: Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020".
“Diễn đàn: Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020" sẽ diễn ra vào ngày 18/11/2020 tại TP.Hồ Chí Minh với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng như các chuyên gia từ Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sự kiện sẽ giúp cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin để có thể chủ động xây dựng định hướng kế hoạch kinh doanh phù hợp, hiệu quả và lâu dài. Diễn đàn cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương.
Vào tháng trước, tại Hà Nội, AmCham đã phối hợp cùng VCCI và Phòng Thương mại Hoa Kỳ, sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam 2020 với chủ đề là “Đối tác tin cậy. Thịnh vượng bền lâu", đánh dấu 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và thành tựu đạt được trong 25 năm qua.
Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực.
Kể từ khi BTA được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước kia, xuất khâu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, nhóm hàng nông - thủy - hải sản đã tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 76 tỷ USD trong năm 2019).
Cụ thể, hết năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 23,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may, giày dép, còn có điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử và đồ gỗ đều có mức tăng trưởng ấn tượng từ 9 - 24%.
Số liệu của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và nhập từ Hoa Kỳ lượng hàng hóa, thiết bị đạt 11,6 tỷ USD.
Hoa Kỳ hiện có hơn 1.000 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (chiếm 46% tổng vốn đầu tư); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31% tổng vốn đầu tư).
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Hoa Kỳ hiện thuộc Top 10 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư. Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 750 triệu USD. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến là đầu tư của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), CTCP Vingroup Investment Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Phần mềm FPT, CTCP Nhựa An Phát Xanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)...
Theo các đánh giá, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đề có nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, y tế, hàng không, quốc phòng, giáo dục… Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề chiến lược quan trọng trong tương lai.