TechDemo không chỉ là nơi trình diễn các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh mà thông qua sự kiện này, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được các đối tác trong và ngoài nước để tiếp tục phát triển làm chủ công nghệ sản xuất. |
Theo đại diện ban tổ chức, TechDemo được tổ chức tại Gia Lai với mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn hoạt động trong giai đoạn mới để đánh thức tiềm năng doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung và cả nước nói riêng, đưa Gia Lai trở thành thủ phủ mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Trong khuôn khổ sự kiện này, tỉnh Gia Lai cũng sẽ tổ chức hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư tại tỉnh, giới thiệu, quảng bá thêm các tiềm năng, thế mạnh, dự án trọng điểm về nguồn năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và ngành du lịch; các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Gia Lai.
Trên thực tế, sự kiện thường niên DemoDay được xem là sự kiện mong chờ của đông đảo cộng đồng và doanh nghiệp làm khoa học công nghệ vì những kết quả của nó mang lại, đặc biệt là khối doanh nghiệp.
Theo thống kê, thông qua các hoạt động TechDemo tính tới thời điểm hiện tại, ban tổ chức đã tiếp nhận khoảng 760 loại nhu cầu công nghệ khác nhau từ các doanh nghiệp; tìm kiếm và cung cấp thông tin từ 3.100 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước phù hợp theo nhu cầu doanh nghiệp; lựa chọn trình diễn và giới thiệu 2.898 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của trên 1.000 các viện, trường, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học công nghệ các tỉnh, thành phố; hỗ trợ thực hiện 739 lượt tư vấn kỹ thuật, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Đáng chú ý, thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu về công nghệ, sự kiện này đã giúp hỗ trợ kết nối 129 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp với giá trị ký kết lên tới hơn 1.757,7 tỷ đồng.
Một số hợp đồng hợp tác tiêu biểu vừa ký kết trong năm 2019 có thể kể tới như dự án sản xuất Allokin-alpha (công nghệ sinh học trong lĩnh vực y sinh) của Công ty TNHH AT Pharma Việt Nam với Công ty AT Pharma Hàn Quốc và các nhà khoa học Nga với giá trị chuyển giao công nghệ khoảng 185 tỷ đồng; dự án hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với 2 nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thành lập Công ty Cổ phần DPN Aerogels (Việt Nam) cùng nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và thiết kế chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu siêu nhẹ aerogels dựa trên chuyển giao công nghệ độc quyền sử dụng 3 bằng sáng chế và quyền công nghệ tái chế rác thải PET, cao su thành vật liệu siêu nhẹ aerogels; dự án nghiên cứu làm chủ công nghệ cấp đông siêu tốc từ chất lỏng của Viện cơ điện công nghệ sau thu hoạch dựa trên công nghệ cấp đông TOMIN của Nhật Bản hiện đã chuyển giao cho Công ty Bá Hải Phú Yên….
Tỷ lệ các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện sau ký kết đạt 45,3%. Ngoài ra, theo thống kê không chính thức, sau các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ đã có thêm hàng nghìn hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết và thực hiện với các đối tác đến từ Campuchia, Myanma, Thái Lan, Trung Quốc, Lào,….
-Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ năm 2019, và trao giấy chứng nhận đầu tư vào tỉnh Gia Lai.
- Hoạt động trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với 450 gian giới thiệu, trình diễn, bao gồm 150 gian giới thiệu, trình diễn công nghệ trong 7 lĩnh vực chế biến, bảo quản nông - lâm sản; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IOT; công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; công nghệ bảo vệ môi trường và 120 gian trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh cùng 180 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp.
-Diễn đàn Đối thoại doanh nghiệp nông nghiệp với đổi mới công nghệ với 2 phiên. Phiên thứ nhất là đối thoại mở giữa các doanh nghiệp về xu hướng phát triển của công nghệ và các nhu cầu công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Phiên thứ 2 là trao đổi giữa doanh nghiệp với các đơn vị quản lý, tổ chức hỗ trợ tài chính và đầu tư về chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
- Hội thảo Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư với quy mô khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế nhằm tìm hiểu nhu cầu và chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tại Việt Nam; giải quyết bài toán đầu tư và công nghệ, kết hợp giữa xúc tiến chuyển giao công nghệ và xúc tiến đầu tư, đồng thời kết nối giữa công nghệ và đầu tư đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore....
- Hoạt động tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, kết nối tài chính - công nghệ với các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ sản xuất để tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
- Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm tập trung đánh giá hoạt động của các Trung tâm trong năm 2019 và đề xuất tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các trung tâm ứng dụng; đề xuất mô hình hoạt động liên kết để nâng cao năng lực làm chủ công nghệ tạo ra, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương và đặc thù theo mô hình chuỗi giá trị....