Thời gian qua, HĐQT VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit. |
Nhiều thương vụ đàm phán bị chững lại
“Cách đây 1 năm, một nhóm nhà đầu tư từ Vương quốc Anh gọi điện cho tôi nhờ khảo sát tình hình một số công ty tài chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, đầu năm 2020, từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, nhóm nhà đầu tư này đã tạm dừng ý định”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết.
Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng đã tuyên bố kế hoạch mua - bán công ty tài chính tiêu dùng như VPBank, SHB, MSB, TPBank… và bật mí đang đàm phán với đối tác ngoại. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ đang bị chững lại vì dịch bệnh.
Cụ thể, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay, thời gian qua, HĐQT VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit, đã có kết quả tích cực.
“Tuy việc đàm phán đang chững lại do dịch bệnh, song quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian gần, bởi FE Credit là công ty hấp dẫn nhất trong ngành tài chính tiêu dùng”, ông Dũng tin tưởng.
Theo thông báo của VPBank, 9 tháng đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, FE Credit vẫn tăng trưởng đột phá với mức tăng 30,3%.
Một ngân hàng khác là SHB cũng đang có kế hoạch bán bớt cổ phần tại công ty tài chính (SHB Finance) để tăng vốn. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho hay, hiện SHB có nhiều đối tác quan tâm và vẫn trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, thương vụ sẽ khó hoàn thành trong năm 2020.
Trong khi đó, Ngân hàng MSB đã đàm phán cơ bản xong với Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc (FCCOM). Tuy vậy, đến nay, hồ sơ chuyển nhượng của MSB vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trong khi 3 ngân hàng trên muốn bán bớt một phần vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc để tận dùng nguồn vốn và công nghệ của đối tác mới, tăng quy mô hoạt động, thì ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng khác cũng nhiều lần hé lộ kế hoạch “săn tìm” công ty tài chính tiêu dùng để mua lại như TPBank, ACB, OCB…
Lãnh đạo TPBank cho hay, ngân hàng này hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và đàm phán với đối tác để cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch này đang chậm hơn so với tiến độ kỳ vọng do có một số thay đổi về quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, song trong vòng 1 năm tới khó có thể diễn ra nhộn nhịp.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên thận trọng trong việc rót vốn đầu tư thời kỳ này, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, chưa có thương vụ M&A nào trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng diễn ra, cho thấy sự phòng thủ của nhà đầu tư nước ngoài”, TS. Võ Trí Thành bình luận.
M&A công ty tài chính “nóng” theo đà phục hồi của nền kinh tế
Mặc dù tạm chững lại do Covid-19, song theo nhận định của giới chuyên gia, triển vọng thị trường M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất khả quan.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn rất lớn. So với nhiều nước trong khu vực, triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập của người dân… của Việt Nam tương đối khả quan.
Ngoài ra, tài chính tiêu dùng cũng là một trong những lĩnh vực có hệ số sinh lời tốt nhất hiện nay (ROE của các công ty tài chính tiêu dùng năm 2019 là 15-25%, cao hơn nhiều so với ngân hàng thương mại). Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc muốn tham gia thị trường này và xu hướng đó vẫn chưa dừng lại.
Tuy nhiên, làn sóng M&A trong lĩnh vực này sẽ lên xuống tùy theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều khả năng M&A trong lĩnh vực này sẽ nóng trở lại từ sau năm 2021, khi kinh tế bắt đầu khởi sắc, bởi tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm giấy phép hoạt động cho bất kỳ công ty tài chính mới nào, khiến giấy phép của 16 công ty tài chính tiêu dùng hiện tại càng thêm đắt giá. Tuy vậy, cạnh tranh của khối công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đã khá khốc liệt.
Một nghiên cứu mới đây của FiinGroup cho thấy, việc giữ thị phần của các công ty lớn như HD Saison, Home Credit đang căng thẳng do sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty trẻ hơn như Mirae Asset, Shinhan Finance, Mcredit và các công ty mới như Easy Credit, VietCredit, SHB Finance, Lotte Finance. Sự hồi sinh một số công ty tài chính tiêu dùng không hoạt động trước đây (PTFinance, FCCom) sẽ càng làm tăng sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính tiêu dùng.
Theo nhận định của công ty này, dù bị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ hơn, nhưng thị trường cho vay tiêu dùng bắt đầu lấy lại động lực tăng trưởng vào năm 2019. “Với tiềm năng tăng trưởng lớn, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, báo cáo của FiinGroup viết.
Cho đến nay, ngoại trừ Techcombank bán 100% vốn của Techcombank Finance, hầu hết các ngân hàng đã và đang đàm phán bán công ty tài chính cho đối tác ngoại vẫn giữ lại tỷ lệ cổ phần chi phối (51%) như MB, HDBank, VPBank… Việc bán bớt cổ phần tại công ty tài chính chỉ là chiến lược giúp các công ty này phát triển mạnh hơn nhờ được bổ sung nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ đối tác ngoại.
Cũng chính vì tài chính tiêu dùng vẫn được coi là “gà đẻ trứng vàng”, nên dù các thương vụ M&A đang tạm chững lại do Covid-19, song nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ khó có chuyện các ngân hàng chấp nhận bán rẻ công ty tài chính để đẩy nhanh thương vụ.
Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi hiện nay, giới chuyên gia tài chính cho rằng, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ tập trung vào tăng cường quản trị rủi ro, cơ cấu lại hoạt động và phân khúc khách hàng, cơ cấu lại danh mục sản phẩm, cải thiện chất lượng tài sản…, sẵn sàng đợi cơ hội bán vốn khi thị trường khởi sắc.