Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vừa thực hiện công tác đốt lò lần đầu và chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm để đưa vào vận hành. Ông Đỗ Diễn Tài, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 cho hay, công tác đốt lò lần đầu tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 ở thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mốc tiến độ mà dự án đã đạt được và mở ra một mốc tiến độ không kém phần quan trọng, đó là phát điện thương mại tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào cuối năm 2016.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 do Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO1) làm chủ đầu tư, là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), có tổng công suất đạt khoảng 4.500 MW.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 |
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 gồm hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 1.245MW (2x622,5MW), sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,8 tỷ kWh. Đây là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, thông số hơi dưới tới hạn, công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, tính ổn định, hiệu suất cao, an toàn và đặc biệt đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường do áp dụng các thiết bị xử lý môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử NOx và SOx. Nhiên liệu than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thủy có tải trọng đến 30.000DWT. Nhu cầu tiêu thụ than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 khoảng 3,6 triệu tấn/năm.
Theo tiến độ đã được ký kết, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 trong vòng 47 tháng, tổ máy số 2 và toàn bộ nhà máy trong vòng 51 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực (tháng 11/2012). Khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.
Cùng nhận tin vui trong tháng 7 này còn có công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, khi tổ máy số 1 đã đóng nhận điện thành công máy biến áp chính để cấp điện chuẩn bị chạy thử nghiệm. Theo Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Dự án đạt tiến độ kế hoạch của EVN là một trong những tiền đề quan trọng để đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình vào đầu năm 2018.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, do EVN làm chủ đầu tư, là một trong những dự án trọng điểm của ngành công nghiệp. Được khởi công vào ngày 9/3/2014, Dự án có quy mô 2 tổ máy, tổng công suất đạt 1200 MW. Đây sẽ là nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam, do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế, tỷ lệ nội địa hóa cao, tới gần 26%.
Theo kế hoạch, tổ máy đầu tiên của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến cuối quý IV/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng 6 tháng (dự kiến cuối quý II/2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500 kV. Sau khi hoàn thành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, EVN đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong đầu tư nguồn điện. Cụ thể, tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu, công suất 400 MW và tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng, công suất 260 MW đã hòa lưới điện quốc gia. EVN cũng đã khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công suất 600 MW.
Các dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủy điện Sông Bung 2, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng mà EVN và các thành viên của mình đầu tư đều bám sát tiến độ đặt ra.
Cũng trong nửa đầu năm nay, đã có 110 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV (bao gồm 5 công trình 500 kV, 17 công trình 220 kV và 88 công trình 110 kV) hoàn thành đầu tư bên cạnh khởi công xây dựng 72 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV (bao gồm 1 công trình 500kV, 7 công trình 220kV và 64 công trình 110kV). Các dự án đảm bảo cấp điện miền Nam như đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho, trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 nâng cao năng lực truyền tải Trung - Nam và các dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP. Hà Nội (trạm biến áp 220kV Sơn Tây, trạm biến áp 110kV Sân bay Nội Bài) cũng đã hoàn tất đầu tư, góp phần tăng thêm mức độ ổn định trong cấp điện.