Thời sự
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cơ quan báo chí cần làm tốt tư tưởng cho cán bộ
Trọng Tín - 16/12/2024 17:15
Các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18.

Ngày 16/12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đã chia sẻ đến hội nghị một số kinh nghiệm tổ chức, sắp xếp bộ máy cơ quan trong quá trình sáp nhập.

Theo ông Đức, năm 2008, Báo Hà Tây và Báo Hà Nội Mới hợp nhất để trở thành một cơ quan báo chí duy nhất mang tên Báo Hà Nội Mới, nhưng sau khi hợp nhất, đội ngũ nhân sự của báo đã lên tới hơn 250 người với 18 phòng, ban.

Tuy nhiên, để xây dựng một cơ cấu tổ chức tinh gọn, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi, Báo Hà Nội Mới đã phải điều chỉnh lại nhân sự cùng với việc giảm số lượng nhân sự. Sau 16 năm hợp nhất, hiện Báo Hà Nội Mới có 156 cán bộ, phóng viên, người lao động và 13 phòng, ban.

Các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18. Ảnh: Trọng Tín.

Từ kinh nghiệm, ông Đức cho rằng, cần phải xây dựng kế hoạch hợp nhất, sáp nhập chi tiết; giữ vững các ấn phẩm chủ lực, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ sau sáp nhập; tái cấu trúc và đào tạo lại nhân sự.

Trong đó, việc tinh giản bộ máy phải được thực hiện một cách cẩn trọng và hợp lý, đảm bảo rằng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên. Cần có các chính sách hỗ trợ cho những nhân viên không còn phù hợp với cơ cấu mới.

Sau khi sáp nhập, các cơ quan báo chí cần có cơ chế tài chính hợp lý để tối ưu hóa nguồn thu từ các kênh như quảng cáo, tài trợ sự kiện và dịch vụ số. Đồng thời, cần phải chủ động trong việc tìm kiếm và thực hiện các mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh truyền thông số.

Đặc biệt, Nhà nước, cơ quan chủ quản cần có chính sách hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, ít nhất là 3 năm để ổn định nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn và đảm bảo thu nhập, việc làm cho đội ngũ phóng viên.

Ông Đức cho rằng, sau khi sáp nhập các cơ quan báo chí, một số cán bộ, phóng viên sẽ thuộc vào diện dôi dư, do vậy, cần thống nhất khuyến khích nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm và được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước với những người còn dưới 5 năm công tác.

Riêng lao động hợp đồng, chế độ nghỉ hưu sớm do cơ quan chi trả bằng Quỹ Hỗ trợ phát triển của đơn vị, kiến nghị Bảo hiểm Xã hội không trừ % lương hưu nếu đã đủ năm công tác đóng bảo hiểm.

Theo báo cáo công tác báo chí năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 của Ban tổ chức Hội nghị, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với việc tổng kết Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Đối với cơ quan chủ quản báo chí, cần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch báo chí, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống báo chí.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý báo chí; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...; tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý báo chí cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Đối với cơ quan báo chí, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao vai trò trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, hướng tới các giá trị văn hóa như chân, thiện, mỹ, hoà bình, hội nhập, phát triển bền vững.

Sửa Luật Báo chí nhằm giải quyết căn cơ những bất cập

Năm 2024, doanh thu của các cơ quan báo chí in và báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%.

Đối với các đài phát thanh, truyền hình, tổng nguồn thu năm 2024 đạt khoảng 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đạt 7.501 tỷ đồng, với thu từ quảng cáo đạt khoảng 3.426,24 tỷ đồng (nguồn thu dịch vụ năm 2024 giảm 2,2% so với năm 2023 đạt 7.669 tỷ đồng; thu quảng cáo năm 2024 giảm 36,4% so với năm 2023 đạt 5.387 tỷ đồng).

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông nỗ lực tiến hành các quy trình, thủ tục để sửa Luật Báo chí nhằm giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua và thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng và làm tốt công tác quản lý nhà nước.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 05/2024 hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong đó, hướng dẫn rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật khi có thay đổi về quy trình công nghệ, hoặc đưa vào áp dụng kỹ thuật sản xuất mới... Đây là đổi mới cách làm trong công tác quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực báo chí, gắn với thị trường, thực tế hoạt động của các đơn vị báo chí.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đơn vị báo chí triển khai thực hiện chính sách của nhà nước về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường điều kiện nhận đặt hàng, giao nhiệm vụ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tin liên quan
Tin khác