Tiền thân Vinaconex là công ty xây dựng và dịch vụ nước ngoài (thuộc Bộ Xây dựng), được thành lập ngày 27/9/1988.
Chia sẻ tại buổi khai trương niêm yết cổ phiếu VCG tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) được tổ chức sáng nay, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, từ xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp Nhà nước nhỏ bé với nhiệm vụ quản lý lao động xây dựng của Việt Nam làm việc tại nước ngoài, đến nay, sau 32 năm phát triển, Vinaconex tự tin là một trong những thương hiệu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Chủ tịch HĐQT Vinaconex chia sẻ tại buổi khai trương niêm yết cổ phiếu VCG tại HoSE sáng nay (Ảnh: Hồng Phúc). |
Đây cũng là một trong 3 doanh nghiệp được Chính phủ chọn thực hiện chủ trương cổ phần hóa toàn Tổng công ty và hoàn thành việc chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần do Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ năm 2006.
Hai năm sau đó, cổ phiếu VCG của Vinaconex được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và đến cuối năm 2018, ngân sách Nhà nước được bổ sung 10.000 tỷ đồng sau khi các cổ đông đại diện vốn Nhà nước hoàn thành thoái vốn tại Tổng công ty này.
Được đào tạo tại Đại học xây dựng trước khi có hơn 30 năm giảng dạy, quản lý tại đây, đến nay, vị chủ tịch 74 tuổi tại Vinaconex đã gắn bó hơn 5 thập kỷ trong lĩnh vực này.
Với giá tham chiếu cho cổ phiếu VCG trong ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE là 41.800 đồng, tương đương vốn hóa khoảng 18.500 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Vinaconex kỳ vọng, chiến lược chuyển sàn này sẽ là bước đi quan trọng trong hành trình nâng tầm vị thế và uy tín của Tổng công ty.
Chủ tịch Vinaconex hoàn thành nghi thức đánh cồng phiên giao dịch đầu của VCG tại HoSE dù trễ hơn 3 tháng so với dự định (Ảnh: Hồng Phúc). |
Trong giai đoạn tới, Vinaconex xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 lĩnh vực chính là xây dựng- bất động sản và đầu tư tài chính.
Chủ tịch Vinaconex khẳng định, dù Tổng công ty hoạt động đa ngành “nhưng chỉ trong xây dựng chứ không lan sang lĩnh vực khác”.
Hiện, mảng đầu tư dự án được xem như một thế mạnh của Tổng công ty.
Hầu hết các dự án do Vinaconex làm chủ đầu tư đều là những dự án có quy mô lớn và đòi hỏi phải có lượng vốn lớn. Do vậy, Vinaconex có thể phải đối mặt với một số rủi ro về tính khả thi của dự án, huy động vốn,…
Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, đại diện Vinaconex cho biết sẽ tăng vốn nhưng lộ trình có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp nhu cầu vốn từng thời điểm.
So sánh hoạt động kinh doanh của Vinaconex với một số doanh nghiệp trong ngành (Nguồn: Báo cáo bạch của Vinaconex). |
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Vinaconex kỳ vọng đến năm 2025, Tổng công ty này có tên trong tốp 3 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, tốp nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam và hình thành chuỗi các doanh nghiệp đầu tư tài chính trong các lĩnh vực lợi nhuận cao, ổn định như năng lượng, nước sạch, giáo dục đào tạo và xuất khẩu lao động.
Với kế hoạch phát triển trong 5 năm tới trong chỉ tiêu doanh thu 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận 2.000 tỷ đồng, mảng xây dựng và bất động sản được ước tính chiếm 70% trong các chỉ tiêu này.