Tính đến cuối quý III/2021, Lộc Trời có quy mô tổng tài sản 8.143,9 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm. |
Nặng gánh chi phí, lợi nhuận quý III sụt giảm
Kết thúc quý III/2021, mặc dù doanh thu thuần hợp nhất tăng 12,42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời thu về lại giảm đến 66%, chỉ đạt 31,2 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, mảng lương thực - gạo tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng 74,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 853 tỷ đồng nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp tiếp tục khá mỏng, với chỉ 3,1%, khiến tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận của Công ty tiếp tục ở mức thấp.
Trong khi đó, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật - mảng kinh doanh truyền thống và đem về lợi nhuận chủ lực cho Công ty - lại giảm 16% trong quý vừa qua, chỉ đạt 940 tỷ đồng. Mảng giống cây trồng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 147,6 tỷ đồng.
Sự thay đổi về cơ cấu doanh thu với việc gia tăng tỷ trọng mảng kinh doanh có biên lợi nhuận thấp và giảm tỷ trọng của các mảng có biên lợi nhuận cao như giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến biên lợi nhuận gộp trong kỳ của Lộc Trời giảm 3,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 17,77%, đạt 353,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng lần lượt 5% và 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nên bào mòn đáng kể lợi nhuận. Sự gia tăng của các phí này chủ yếu do chi phí vận chuyển liên tục gia tăng từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, Công ty cũng tăng mạnh chi phí quảng cáo, khuyến mại.
Hoạt động tài chính của Lộc Trời cũng kém hiệu quả hơn, với sự gia tăng các khoản chi phí lãi vay và chiết khấu thanh toán, mặc dù diễn biến tỷ giá năm nay thuận lợi hơn, giúp Công ty tăng cường khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá. Kết quả riêng trong quý III/2021, hoạt động tài chính của Công ty lỗ 61,5 tỷ đồng, tăng 50% so với quý III/2020.
Triển vọng phục hồi tăng trưởng trong quý cuối năm
Tính đến cuối quý III/2021, Lộc Trời có quy mô tổng tài sản 8.143,9 tỷ đồng, tăng 17,7% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản hàng tồn kho với giá trị 4.119,6 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho của Công ty đã tăng 64,8% so với đầu năm. Thực tế, mức tăng này chủ yếu diễn ra trong nửa đầu năm (riêng quý III/2021, giá trị tồn kho của Công ty đã giảm 90,4 tỷ đồng).
Nếu như trong giai đoạn đầu năm, việc đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho được đánh giá là sự chủ động của Công ty trong điều kiện giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu liên tục tăng giá, thì sự chững lại trong quý III/2021 nhiều khả năng do ảnh hưởng của dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Tồn kho tăng mạnh đã khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty âm 1.683 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Tính riêng quý III, mức âm là 441,2 tỷ đồng. Cùng với dòng tiền đầu tư cho tài sản cố định 201 tỷ đồng, kết quả Công ty phải tăng vay nợ ròng 1.718 tỷ đồng sau 9 tháng.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ vay của Lộc Trời là 3.862,6 tỷ đồng, chiếm 47,4% cơ cấu nguồn vốn; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,34 lần. Gần như toàn bộ nợ là các khoản nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động, nợ vay dài hạn chỉ 60,1 tỷ đồng. Nợ vay tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của Công ty tăng 64% sau 9 tháng, dù mặt bằng lãi suất năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh nợ vay, Lộc Trời cũng còn bị chiếm dụng vốn đáng kể từ các đại lý phân phối với giá trị phải thu ngắn hạn là 1.450 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2021, trong đó 95,3% là phải thu từ khách hàng. Tỷ lệ trích lập dự phòng phải thu khá cao, với tỷ lệ 21,2% trên giá trị phải thu ngắn hạn từ khách hàng và 22,2% trên các khoản phải thu ngắn hạn nói chung. Với số nợ quá hạn lên đến 481,9 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2021, tăng 30,6% so với đầu năm, rủi ro tăng trích lập dự phòng phải thu của Công ty thời gian tới vẫn còn khá lớn.
Thời gian qua, Lộc Trời đã thực hiện chính sách gia tăng chiết khấu thanh toán cho các các đại lý, đối tác. Điều này đã khiến chi phí chiết khấu thanh toán của Công ty tăng tăng 88,7% trong 9 tháng đầu năm, làm tăng chi phí tài chính và giảm lợi nhuận trực tiếp trong kỳ. Tuy vậy, chính sách này cũng giúp các khoản phải thu có xu hướng giảm xuống, giúp giảm áp lực bị chiếm dụng vốn và rủi ro phát sinh phải thu khó đòi trong tương lai.
Sau 2 quý sụt giảm lợi nhuận, bước sang quý IV/2021, trong điều kiện các điều kiện kiểm soát phòng dịch được nới lỏng, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, việc giải phóng hàng tồn kho được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn, giúp Công ty cải thiện dòng tiền, giảm vay nợ. Thậm chí, trong điều kiện giá cả các loại hàng hóa, nguyên vật liệu vẫn có xu hướng gia tăng, Lộc Trời có thể còn được hưởng lợi từ việc tồn trữ lượng tồn kho lớn với mặt bằng giá vốn thấp hơn từ trước.