Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa công bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Ông nhận tin này thế nào?
Một tin vô cùng tốt. Tôi đánh giá rất cao sự tiên phong của Bộ Công thương, sự quyết tâm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong công bố này.
Tôi tin là các doanh nghiệp cũng rất hào hứng. Có nhiều điều kiện kinh doanh làm khổ các doanh nghiệp nhiều năm nay, kiến nghị bỏ rất lâu rồi, lần này cũng có mặt như các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực xăng dầu; khí; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic...
Có vấn đề gì về quản lý nhà nước khi cắt bỏ các điều kiện kinh doanh này không, thưa ông?
Câu trả lời là không! Lâu nay, nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực trên không có tác dụng gì phục vụ quản lý nhà nước, như là kinh doanh khí gas thì phải có bao nhiêu chai, có kho dung tích mấy trăm khối, doanh nghiệp logistic phải có phòng ban này, nhân viên nọ; hay doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chứa hay nhà máy xay xát... Đó không phải là trách nhiệm quản lý nhà nước mà là việc của thị trường, của doanh nghiệp.
Phải phân tích rất rõ, điều kiện kinh doanh có mục đích hạn chế thị trường, hạn chế cạnh tranh, làm méo mó sai lệch thị trường. Nếu bỏ, quyền tự do kinh doanh được giao tăng, quy mô, cường độ cạnh tranh cũng được mở rộng, tạo động lực giải phóng sức sản xuất.
Cắt bỏ các điều kiện vô lý này không những không ảnh hưởng đến quản lý nhà nước mà tháo gỡ các rào cản gây méo mó thị trường, cản trở cạnh lành mạnh... Cơ hội kinh doanh sẽ được trao trả lại cho thị trường, cho doanh nghiệp.
Nhưng, Quyết định số 3610a/QĐ-BCT mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký mới chỉ là ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Ông có tin rằng, mọi việc sẽ được thực hiện như cam kết?
Kết quả này bước đầu, nhưng quan trọng vì Quyết định đưa ra mục đích rõ ràng, phương án cụ thể. Có thể nhắc đến như chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện...
Điều quan trọng, tôi nhìn thấy sự đồng thuận và quyết tâm cao trong nội bộ của Bộ Công thương. Thực tiễn trong hơn 1 năm nay, Bộ Công thương cũng đã đi đầu trong gỡ bỏ rào cho doanh nghiệp, như bãi bỏ quy định về kiểm tra formaldehyt với các sản phẩm dệt may và bãi bỏ quy định về dán nhãn năng lượng với các sản phảm sử dụng năng lượng...
Và không thể nhắc đến sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công thương trong nỗ lực thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo mạnh mẽ, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Sau "phát súng" đầu tiên của Bộ Công thương, ông dự liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với các đề xuất cắt bỏ hơn 2000 điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ?
Bộ Công thương bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh, các bộ khác không có lý do gì chậm trễ công việc này. Tôi tin là bộ trưởng các bộ sẽ không chần chừ thêm nữa.
Các doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế cũng không thể chờ đợi lâu hơn nữa.
Bộ Công thương sẽ cắt giảm khoảng 675 điều kiện kinh doanh, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.
Tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trên 27 ngành, nghề, chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28.
Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương còn lại là 541.
Trước đó, vào điểm tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công thương.