Quốc tế
Sau công nghệ và giáo dục, Trung Quốc "nắn gân" đến ngành rượu
Lê Quân - 26/08/2021 22:22
Cổ phiếu của các công ty sản xuất rượu ở Trung Quốc đồng loạt đi xuống trong tuần này, sau động thái của Cơ quan quản lý thị trường.
Một thùng rượu Mao Đài Quý Châu sản xuất năm 1974 được bán với giá "giật mình" là 1 triệu bảng Anh. Ảnh: AFP

Cổ phiếu của Công ty sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu (Kweichow Moutai) và nhiều doanh nghiệp cùng ngành liên tục rớt giá trong 5 ngày qua sau khi xuất hiện những quy định mới.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành một loạt các quy định mới trong những tháng gần đây và một vài trong số đó khiến các nhà đầu tư ngỡ ngàng. Đơn cử, các nhà chức trách Trung Quốc đã hạ lệnh cho các cửa hàng ứng dụng (app store) gỡ bỏ ứng dụng gọi xe Didi, chỉ vài ngày sau khi "siêu ứng dụng" này niêm yết thành công tại Mỹ và gom về hơn 4 tỷ USD vào cuối tháng 6. Sau lệnh gỡ bỏ này, cổ phiếu Didi trôi dốc 41% kể từ đó.

Theo đài CNBC, phương châm vì "sự thịnh vượng chung" là nền tảng cho các hành động mau lẹ gần đây của Bắc Kinh nhằm xử lý hoạt động độc quyền của các công ty công nghệ, tăng cường bảo mật dữ liệu và ngăn chặn "hoạt động tăng vốn một cách bất quy tắc"...

Trong ngành sản xuất rượu trắng truyền thống của Trung Quốc, Mao Đài Quý Châu là cổ phiếu đắt giá nhất được giao dịch trên thị trường cổ phiếu đại lục hạng A. Cổ phiếu Mao Đài Quý Châu cũng được ưa chuộng như chính loại rượu này, một thức uống ưa thích của các doanh nhân Trung Quốc trong các bữa tiệc chốt hợp đồng làm ăn.

Thời báo Chứng khoán (Securities Times) thuộc Nhân dân nhật Báo Trung Quốc (People's Daily) hôm nay 26/8 trích dẫn các thông tin thương mại cho rằng Công ty sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu đang cố gắng bình ổn giá bán các sản phẩm trước dịp lễ lớn vào hai tháng tới. Theo đó, giá một chai Mao Đài Quý Châu đã giảm hẳn 300 nhân dân tệ (tương đương 46,40 USD) trong ngày qua.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc chiều nay đưa tin rằng Mao Đài Quý Châu cho biết công ty này không thay đổi các mức giá bán.

Thực tế, giá các chai rượu Mao Đài Quý Châu đã tăng tỷ lệ thuận với giá cổ phiếu của công ty này, tương đương với vài trăm USD. Thậm chí, vào tháng 6 vừa qua, một thùng rượu Mao Đài Quý Châu sản xuất năm 1974 đã được bán với giá "giật mình" 1 triệu bảng Anh (tương đương 1,37 triệu USD) tại một cuộc đấu giá của hãng đấu giá chuyên nghiệp Sotheby's.

Cổ phiếu của Công ty sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu hôm nay mất giá hơn 4%, trong khi cổ phiếu của các công ty sản xuất rượu trắng khác cũng hứng chịu mức giảm mạnh từ đầu tuần. Đặc biệt, cổ phiếu của Wuliangye và Luzhou Laojiao đều rớt giá hơn 4% và đang trên đà giảm mạnh hơn trong 5 ngày giao dịch vừa qua.

Tuần trước, Securities Times đưa tin Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã gặp gỡ các thành viên của ngành công nghiệp rượu trắng nước này, khiến cổ phiếu của ngành này sau đó lao dốc.

Theo ông Damon Zhang, Trợ lý giám đốc danh mục đầu tư vốn toàn cầu tại Công ty quản lý tài sản China Asset Management, những người tham dự cuộc họp tiết lộ nội dung mà các quan chức quan tâm nhiều là "hạ nhiệt" một thị trường đang quá nóng như thị trường rượu trắng, có thể là tập trung vào vấn đề tăng trưởng nóng hoặc vấn đề giá rượu Mao Đài tăng vọt.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đài CNBC, ông Damon Zhang cho biết ông hy vọng nhu cầu rượu trắng sẽ vẫn "lành mạnh" và quy định của cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của ngành này. Mặc dù chiến dịch trấn áp tham nhũng vào năm 2012 và 2013 tại Trung Quốc đã khiến nhu cầu rượu trắng sụt giảm, những đại diện China Asset Management cho biết giới kinh doanh và người dân vẫn thưởng thức loại rượu này như thường trong những dịp lễ tết như Tết Nguyên đán.

Các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS vẫn giữ nguyên đánh giá mua vào đối với cổ phiếu của Kweichow Moutai, Jiangsu Yanghe Brewery, Luzhou Laojiao, và Wuliangye Yibin trong một báo cáo ngày 23/8. "Chúng tôi cho rằng việc các nhà phân phối ra sức tích trữ tích trữ với hy vọng cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu trắng tăng giá, đã gây ra tình trạng tồn kho không lành mạnh", phía UBS nhận định.

Các nhà phân tích UBS cho rằng, động thái của phía cơ quan chức năng Trung Quốc nhắm vào ngăn chặn tình trạng đầu cơ tăng giá; đồng thời ngăn ngừa các hành vi tích trữ thêm của các nhà phân phối.

Kweichow Moutai (Mao Đài Quý Châu) và Wuliangye (Ngũ Lương Dịch) là 2 trong 5 cổ phiếu Trung Quốc đại lục được các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đầu tư nhiều nhất, bao gồm cả nhà đầu tư đến từ Hong Kong, theo Wind Information.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, các nhà đầu tư nước ngoài họ đã cắt giảm đầu tư vào cổ phiếu rượu trắng. Tính đến ngày 25/8, chỉ có 96 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phiếu Kweichow Moutai, so với con số 101 vào cuối tháng 7, theo Wind Information. Dữ liệu cũng cho thấy số lượng tổ chức tài chính nước ngoài nắm giữ cổ phiếu Wuliangye cũng giảm còn 91, từ mức 98.

Trước đó, do áp lực pháp lý từ những quy định chặt chẽ hơn, cổ phiếu của các công ty công nghệ và giáo dục Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đồng loạt giảm mạnh, khiến chỉ số Hang Seng trôi sạch thành quả từ đầu năm trong ngày giao dịch 26/7.

Đáng kể, cổ phiếu của hai tập đoàn công nghệ Tencent và Alibaba lần lượt trượt dốc 7,72% và 6,38%, còn cổ phiếu của "đế chế" giao đồ ăn Meituan "bốc hơi" tới 13,76%. Chỉ số Hang Seng Tech - nhóm cổ phiếu của 30 công ty công nghệ lớn nhất niêm yết tại Hong Kong - cũng giảm 6,57% còn 6.790,96 điểm.

Nhóm cổ phiếu giáo dục tư nhân cũng rớt giá sâu khi chính quyền Trung Quốc tăng cường các quy định hạn chế đối với lĩnh vực này. Cổ phiếu của New Oriental Education & Technology Group, Koolearn Technology, và China Beststudy Education Group cùng rơi đột ngột hơn 30%.

Tin liên quan
Tin khác