Ngành du lịch cần thêm nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút khách quốc tế. Trong ảnh: Carnival đường phố Sun Fest tại Đà Nẵng |
Lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng
Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 602.000 lượt, bằng 12% kế hoạch.
“Mổ xẻ” nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành AZA Travel liệt kê những yếu tố cơ bản như: Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát triệt để, biến thể phụ BA.5 của Omicron khiến dịch bệnh lây lan nhanh, gây tâm lý “ngại” đi du lịch ngoài biên giới; xung đột Nga - Ukraine; giá xăng dầu tăng cao, tình trạng lạm phát ở nhiều nước trên thế giới ảnh hưởng đến tình hình tài chính của du khách… khiến nhu cầu đi du lịch bị kiềm chế.
Ông Đạt cho biết, sau 4 tháng mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch, chưa có đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga, Trung Quốc… do Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Năm 2019, Việt Nam đón gần 18,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm khoảng 66% lượng khách. Do Covid-19, các thị trường này đều đóng cửa, hiện mới chỉ có Hàn Quốc dần mở cửa trở lại; thị trường Nhật Bản thì chọn lọc đối tượng khách, đặc biệt, Trung Quốc vẫn chưa cho phép người dân đi du lịch. Các chuyên gia du lịch nhận định, khi những thị trường truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á mở cửa hoàn toàn trở lại, thì du lịch Việt Nam mới có thể hồi phục.
Mặt khác, các đường bay và chuyến bay quốc tế chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch, lượng vé khan hiếm. “Chúng tôi đang có một số đoàn, nhưng không thể đặt được vé máy bay, giá vé một số đường bay thậm chí đắt gấp đôi so với thời điểm trước dịch, ảnh hưởng đến lựa chọn của khách. Họ có tâm lý chờ đợi, vì giá đắt, trong khi tâm lý cũng chưa muốn du lịch xa”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Trước những khó khăn của ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, đặc thù của nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… là thường lên kế hoạch trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa du lịch, nên du khách cần thời gian để sắp xếp kế hoạch.
Đặc biệt, chính sách visa của Việt Nam vẫn là “điểm nghẽn”. Đến nay, Việt Nam mới thực hiện miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia với thời hạn 15 ngày, trong khi khách quốc tế thường có nhu cầu đi du lịch 18 - 30 ngày. Đây là những nguyên nhân chính khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng qua chưa như mong đợi.
Cải thiện ngay chính sách visa
Các doanh nghiệp du lịch đều khẳng định, cải thiện chính sách visa là giải pháp quan trọng nhất và có thể triển khai ngay để hấp dẫn du khách quốc tế.
Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn. Việc Việt Nam chỉ cấp visa 15 ngày khiến doanh nghiệp khó khăn khi tổ chức các đoàn quy mô lớn. Bên cạnh đó, thủ tục cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế chưa nhanh chóng, phải chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian, nhiều trường hợp buộc phải hủy vé tới Việt Nam.
- Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành AZA Travel
Để thị trường inbound (đưa khách quốc tế tới Việt Nam) trở lại thời hoàng kim, các doanh nghiệp du lịch có chung kiến nghị áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần, có giá trị miễn visa 30 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, cần mở rộng danh sách miễn thị thực cho khách đến từ Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… Cùng với đó, thủ tục thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu cần thuận tiện hơn, giảm bớt giấy tờ.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Bình cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành đã rất nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động quảng bá nhỏ lẻ, tự phát chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường, do đó, cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia.
“Để làm được việc này, chúng ta cần mời các cơ quan báo chí quốc tế, doanh nghiệp du lịch hàng đầu của thế giới tới Việt Nam trải nghiệm du lịch, cho họ thấy Việt Nam thật sự an toàn trước Covid-19. Để phát ngôn hiệu quả thông tin đó, chỉ có thể là Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp ngành du lịch”, ông Bình khuyến nghị.
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc điều hành AZA Travel đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần phân tích thị trường để xác định những thị trường quốc tế trọng điểm, từ đó quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, có những sản phẩm và ưu đãi phù hợp để Việt Nam trở thành điểm đến được du khách ở thị trường trọng điểm ưu tiên lựa chọn khi có ý định đi du lịch nước ngoài.