TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp niêm yết chạy đua chuyển sàn | |
Thêm một doanh nghiệp rời sàn chứng khoán | |
Chủ tịch Alphanam muốn rời thương trường |
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày DNNN hoàn tất cổ phần hóa, việc niêm yết trên sàn HNX, HOSE hay đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCoM, nên để DN quyết định |
Minh chứng thực tế này mang lại kỳ vọng cho nhiều DN lớn sắp IPO, nhưng cũng khiến họ băn khoăn, nếu niêm yết ngay có trái Quyết định 51/2014/QĐ-TTg không và chế tài DN phải chịu sẽ là gì?
Chưa có "cây gậy" nào buộc DN lên UPCoM
Tại cuộc đối thoại giữa gần 700 DN với Bộ Tài chính tuần qua, khi DN hỏi về chế tài nếu sau cổ phần hóa không đưa cổ phiếu vào lưu ký, đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên Sở GDCK trong vòng 90 ngày, kể từ ngày nhận giấy chứng nhận thành lập, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trả lời rằng, đã có chế tài và đó chính là Nghị định 108/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 108/2013/NĐ-CP ban hành ngày 23/9/2013, tức là trước thời điểm Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành 1 năm, nên không thể ra được chế tài cho DN không lên sàn UPCoM trong vòng 90 ngày, theo quy định tại Quyết định 51. Thực tế, "cây gậy" của Chính phủ (Nghị định 108) chỉ phạt các DN không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp DN không đủ điều kiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch theo quy định. Mức phạt được Chính phủ quy định là từ 100 - 150 triệu đồng, đồng thời buộc DN khắc phục hậu quả bằng cách, nếu nhà đầu tư có yêu cầu, DN phải mua lại số cổ phần đã chào bán.
Trong bối cảnh này, trong lần trả lời phỏng vấn ĐTCK gần đây, lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội đã cho biết, Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính, chế tài cho các DNNN sau cổ phần hóa không lên UPCoM. Mục đích của đề xuất này là buộc DN thực thi luật pháp, thực hiện nghiêm Quyết định 51/2014 của Thủ tướng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư có nơi giao dịch ngay sau khi đấu giá, đồng thời sàn UPCoM sẽ giúp DN tập dượt, làm quen với TTCK, trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ thị trường khi trao đổi với ĐTCK lại có quan điểm khác. Nghị định 108 của Chính phủ đã có chế tài chung, buộc các DN đại chúng phải lên sàn sau 1 năm kể từ ngày phát hành ra công chúng, trong mục tiêu cao nhất là bảo vệ nhà đầu tư, gắn DN với văn hóa kinh doanh minh bạch. Trong bối cảnh này, có nên "đẻ" thêm chế tài buộc DN lên sàn UPCoM không ? Như thế có rối quá không và có cần thiết không khi thực tế đã có DN niêm yết ngay trong vòng 90 ngày, kể từ ngày hoàn tất cổ phần hóa? "Mục tiêu quan trọng nhất mà Chính phủ và ngành chứng khoán hướng đến là gắn DN với TTCK để bảo vệ nhà đầu tư, hướng DN đến kinh doanh minh bạch", lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM nói. Về phía DN, nhiều ý kiến cho rằng, trong mục tiêu này, văn bản pháp quy nên để DN có quyền tự do chọn sàn (HNX, HOSE hay UPCoM) phù hợp theo điều kiện cụ thể của DN và mong muốn của các cổ đông. Việc chọn lựa sàn nào, về bản chất, là quyền của các cổ đông DN, do ĐHCĐ quyết định, vì thế, không nên can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Hãy trả DN quyền tự do chọn sàn
Lần thứ hai Bộ Tài chính, UBCK tổ chức hội nghị về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK cho các DN, vấn đề DN băn khoăn nhất là họ có buộc phải lên sàn UPCoM sau IPO không, vẫn chưa được nhà quản lý trả lời thấu đáo. Quyết định 51 của Thủ tướng có quy định DN lên UPCoM, Công văn 2660 của Bộ Tài chính quy định rõ hơn là DN phải lên UPCoM ngay cả khi đủ điều kiện niêm yết. Tuy nhiên, vì sao DN buộc phải lên UPCoM, nếu cổ đông DN mong muốn lên niêm yết và DN có thể xử lý được việc niêm yết trong vòng 90 ngày sau khi IPO?
Một vấn đề khác: nếu DN có nỗ lực làm hồ sơ lên sàn, nhưng vì một lý do nào đó, chưa thể lên trong vòng 90 ngày, sang đến ngày thứ 91, DN có buộc phải lên UPCoM nữa không, hay DN khi đó có quyền chọn lựa sàn theo ý chí của ĐHCĐ DN? Chỉ khi Bộ Tài chính, UBCK trả lời thấu đáo 2 câu hỏi trên (chứ không đơn giản là viện dẫn Nghị định 108/2013/NĐ-CP), mới có thể xóa bỏ sự trăn trở và tạo tâm lý thoải mái cho DN khi lên sàn theo định hướng.
Ở góc nhìn độc lập, có thể thấy, quyết tâm gắn cổ phần hóa DNNN với TTCK là chủ trương đúng đắn, tốt đẹp của Chính phủ, của ngành tài chính, nhưng quy định buộc DN sau IPO phải lên sàn UPCoM tại 2 văn bản trên nên được xem xét lại. Sự kiện Đạm Cà Mau lên niêm yết trong chưa đầy 90 ngày kể từ ngày hoàn tất cổ phần hóa là một điển hình đáng khuyến khích. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày DNNN hoàn tất cổ phần hóa, việc niêm yết trên sàn HNX, HOSE hay đưa cổ phiếu vào đăng ký giao dịch trên UPCoM, nên để DN (chính xác là ĐHCĐ DN) quyết định. Nếu có xây dựng thêm chế tài, thì nên có chế tài buộc DN đưa cổ phiếu lên sàn trong thời hạn 90 ngày, chứ không nên xây chế tài với DN không lên UPCoM.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đưa ra một quy định tốt đẹp, nhằm mục tiêu để mọi người lao động đều có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, khi nhiều người lao động thể hiện mong muốn được quyền chọn lựa nhận trợ cấp 1 lần khi nghỉ việc hoặc chọn đóng tiếp bảo hiểm để nhận lương hưu về già, Chính phủ đã lắng nghe và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật trong kỳ họp tới. Một bộ luật được dày công nghiên cứu như Luật Bảo hiểm và thực tế có mục tiêu rất tốt đẹp, nhân văn, nhưng do chưa bao quát hết lòng dân, đã được Chính phủ ghi nhận để sửa lại.
Vậy trong nỗ lực gắn cổ phần hóa DNNN với lên sàn, khi phát hiện văn bản hiện hành chưa bao quát hết nguyện vọng chính đáng của cộng đồng DN, nhà quản lý có nên tính việc sửa hay không? Câu hỏi này xin gửi Bộ Tài chính cân nhắc.
Tường Vi (Tinnhanhchungkhoan.vn)