Sau khi ghi nhận lỗ nửa đầu năm 2023, Công ty Đầu tư Thương mại SMC đã thông qua kế hoạch kinh doanh trong nửa cuối năm 2023. Trong đó, Công ty lên kế hoạch sản lượng kinh doanh là 440.000 tấn thép các loại và đặc biệt lợi nhuận phấn đấu không lỗ.
Nợ ngắn hạn của Công ty Đầu tư Thương mại SMC đã vượt tài sản ngắn hạn 305,8 tỷ đồng
Trước đó, sau kiểm toán bán niên năm 2023, tính tới 30/6/2023, Công ty Đầu tư Thương mại SMC bất ngờ ghi nhận tổng nợ ngắn hạn là 5.685 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 5.379,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn là 305,8 tỷ đồng.
Với việc nợ vay ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 305,8 tỷ đồng, hay có thể hiểu là dùng 305,8 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (lớn hơn 1 năm), đây là rủi ro kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.
Với việc nợ vay ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, điều này đang tạo nên quan ngại về khả năng tạo tiền của công ty để thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn thanh toán.
Lý giải cho vấn đề lo ngại về mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) tài trợ cho tài sản dài hạn (trên 1 năm), Ban lãnh đạo Công ty Đầu tư Thương mại SMC cho biết, các khoản phải trả cho người bán ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2023 là 2.685,3 tỷ đồng, Công ty tin rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp và cá nhân bằng việc gia hạn thời gian trả nợ.
Bên cạnh đó, Công ty sẽ tăng cường dòng tiền thông qua việc đôn đốc, đề xuất những giải pháp tích cực để thu hồi các khoản nợ còn tồn đọng (quá hạn, tồn đọng), giảm/trả nợ các khoản vay/nợ nhà cung cấp... từ đó tạo hiệu quả thông qua việc tiết giảm chi phí tài chính/lãi vay ngân hàng.
Ngoài ra, đối với khách hàng truyền thống, thường xuyên, có khả năng thanh toán tốt nhưng đang tạm thời chưa xoay vòng vốn kịp trong thời gian ngắn, Công ty tạo điều kiện về thời gian thanh toán công nợ, cân nhắc về việc cung cấp tiếp hàng để khách nợ có thể có cơ hội xoay vòng vốn và tạo ra doanh thu để có thể trả nợ tốt hơn; sau đó trao đổi về lộ trình thanh toán cụ thể và đề nghị khách nợ thanh toán đúng hạn theo như cam kết.
Với những lý do trên, Ban lãnh đạo Công ty Đầu tư Thương mại SMC tin rằng, các đánh giá trên là đúng đắn, Công ty vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai.
SMC công bố danh sách nợ xấu tại thời điểm 30/6/2023 (Nguồn: BCTC) |
Quay trở lại Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023, Công ty Đầu tư Thương mại SMC cũng công bố danh sách tổng các khoản phải thu, trả trước người bán quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu tiền lên tới 760,14 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 487,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị lớn chủ yếu Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận 258,85 tỷ đồng (thu hồi 181,2 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley với giá trị 84 tỷ đồng (thu hồi 58,8 tỷ đồng); Công ty TNHH The Forest City với giá trị 72,9 tỷ đồng (thu hồi 51 tỷ đồng) …
Được biết, trước đó, Chứng khoán Rồng Việt cho biết, Đầu tư Thương mại SMC cũng phát sinh công nợ với Novaland khoảng 1.000 tỷ đồng gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên sức khỏe tài chính.
Xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận kiếm được luỹ kế nhiều năm
Về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 7.433 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 385,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 130,11 tỷ đồng, tức giảm 515,57 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 3%, về chỉ còn 0,8%.
Với việc ghi nhận lỗ thêm 385,46 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, Công ty Đầu tư Thương mại SMC đã ghi nhận lỗ luỹ kế 41,9 tỷ đồng (đầu năm lãi luỹ kế 343,6 tỷ đồng).
Người thân lãnh đạo liên tục bán ra cổ phiếu SMC
Một Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc đơn vị thành viên của Công ty Đầu tư Thương mại SMC vừa bán ra 500.000 cổ phiếu SMC để giảm sở hữu từ 3,01%, xuống 2,34% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 11/7 đến 31/7.
Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Quốc Thắng là chồng bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Đầu tư Thương mại SMC.
Trước đó, từ ngày 5/6 đến 28/6, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, em bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi vừa bán ra 530.000 cổ phiếu SMC để giảm sở hữu từ 1,74% về còn 1,02% vốn điều lệ.
Điểm đáng lưu ý, thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 4/8/2023 (bối cảnh trong thời điểm người thân lãnh đạo Công ty Đầu tư Thương mại SMC bán ra cổ phiếu), cổ phiếu SMC tăng 86,7% từ 7.070 đồng lên 13.200 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, theo dữ liệu của Báo Đầu tư, SMC từng phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu ngày 30/7/2021 (kỳ hạn 3 năm), mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tài sản đảm bảo là 9,1 triệu cổ phiếu NKG thuộc sở hữu của SMC và 4 triệu cổ phiếu SMC của bà Nguyễn Cẩm Vân, mẹ ruột bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi.
Có thể thấy, việc người thân của bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi bán ra cổ phiếu SMC sau nhịp hồi phục mạnh, cũng như triển vọng ngành vẫn còn nhiều dấu hỏi, đây là tín hiệu cảnh báo để nhà đầu tư bên ngoài thận trọng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu SMC tăng 150 đồng lên 11.950 đồng/cổ phiếu.