Chứng khoán Trung Quốc đại lục phiên chiều nay đi xuống với chỉ số Shanghai Composite trượt 0,31% còn Shenzhen gần như đi ngang. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Trung Quốc đại lục phiên chiều nay đi xuống với chỉ số Shanghai Composite trượt 0,31% còn Shenzhen gần như đi ngang.
Cổ phiếu Alibaba trên sàn Hong Kong tiếp tục tăng vọt 3,16% sau khi chào sàn hôm qua 27/11, còn chỉ số Hang Seng của thị trường này giảm không đáng kể.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi ngang còn Topix giảm 0,15%. Cổ phiếu của hãng điện tử Panasonic vọt lên 2,5% sau khi Tạp chí Nikkei Asian Review đưa tin hãng này sẽ bán mảng sản xuất chất bán dẫn cho công ty công nghệ Nuvoton Technology của Đài Loan.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất điểm 0,21%, còn chứng khoán Australia xanh sàn với chỉ số S&P/ASX 200 nhích 0,15%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,15%.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Trump hôm qua 27/11 (giờ Mỹ) ký ban hành 2 đạo luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong. Động thái này bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc trong bối cảnh hai siêu cường kinh tế được kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Reuters đưa tin, chính quyền Hong Kong hôm nay lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái của Mỹ và cho rằng động thái này sẽ phát đi tín hiệu xấu tới những người biểu tình.
“Hong Kong đang trở thành vấn đề có tầm quan trọng chiến lược quốc gia đối với Trung Quốc và ông Trump - vị tổng thống đang đối mặt với sự lấn át của quốc hội Mỹ. Điều này càng đặt ông Trump vào thế khó. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm đối với lãnh đạo Trung Quốc”, ông Todd Mariano, Giám đốc thị trường Mỹ của tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group bình luận.
Niềm tin thị trường vài ngày qua được cải thiện đáng kể sau khi ông Trump cho biết các nhà đàm phán hai bên đang tiến gần tới thỏa thuận giai đoạn 1. Thông tin được ông Trump đưa ra sau khi các quan chức hai nước tiến hành trao đổi qua điện thoại về cách thức giải quyết các vấn đề mâu thuẫn còn lại.
Chứng khoán Mỹ đêm qua tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm kỷ lục. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4% và đóng cửa ở 3.153,64 điểm, trong khi Nasdaq Composite kết thúc giao dịch tăng 0,7% lên 8.705,18 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 42,32 điểm và chốt phiên với 28.164 điểm. Các chỉ số này đều ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày giao dịch và đánh dấu chuỗi 4 ngày lên điểm liên tiếp.
Cú hích trên sàn chứng khoán Mỹ đến từ thông tin tích cực về kinh tế Mỹ. Số đơn hàng hóa lâu bền tại Mỹ tháng 10 tăng lên 0,6%, trong khi các nhà kinh tế trước đó dự báo con số này sụt giảm 0,8%. Số thông báo thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ cũng giảm từ 227.000 còn 213.000, trong khi tăng trưởng GDP quý III/2019 của Mỹ ước đạt 2,1%, cao hơn mức 1,9% dự đoán trước đó.
Ngoài ra, trong báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế (Beige Book), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng “khiêm tốn” từ tháng 10 đến giữa tháng 11.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 98,4 thiết lập hôm qua về mức 98,345. Đồng yên Nhật Bản suy yếu và giao dịch ở mức 109,44 JPY đổi 1 USD so với mức 108,8 JPY/USD hồi đầu tuần. Đô la Australia cũng trượt giá và trao tay ở mức 1 AUD đổi 0,6762 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi xuống, với giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 0,25% còn 63,90 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 0,38% về 57,89 USD/thùng.