Ngay phiên khai mạc kỳ họp 9, Quốc hội đã nghe tờ trình đề nghị phê chuẩn EVFTA ngay kỳ họp này. |
Nhiều vị đại biểu cho rằng, phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội rà soát, tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.
Chuẩn bị để Quốc hội bấm nút phê chuẩn EVFTA ngay ngày đầu tiên (8/6) của đợt họp trực tiếp (kỳ họp 9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành báo cáo tiếp thu, giải trình sau phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về nội dung này ngày 20/5.
Báo cáo nêu rõ, hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tán thành việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh Châu Âu sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa hai bên, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có tính bổ trợ lẫn nhau, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc. Đồng thời, doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ có điều kiện mua máy móc, thiết bị hiện đại với giá cả phải chăng, người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao như nhóm hàng hóa mỹ phẩm được người Việt Nam ưa chuộng với giá cả thấp hơn.
Báo cáo tiếp thu cũng nêu 6 khuyến nghị lớn từ các vị đại biểu.
Một, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hai, các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh Châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19. Đồng thời tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.
Ba, có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập và quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bốn, xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống. Nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.
Năm, cung cấp đầy đủ, kịp thời bộ tài liệu Hiệp định, các tài liệu hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Các tài liệu hướng dẫn Hiệp định cần thể hiện bằng ngôn ngữ phù hợp để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nhớ.
Sáu, tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức rà soát và kiểm tra công tác triển khai thực hiện Hiệp định trên thực tế.
Những khuyến nghị này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là "đầy tâm huyết, rất xác đáng", đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, bổ sung vào kế hoạch triển khai Hiệp định.