Sức khỏe doanh nghiệp
Sau nhiều năm tăng trưởng, lợi nhuận của TTC Edu giảm vì Covid-19
Thanh Thủy - 06/10/2020 08:38
Lợi nhuận hệ thống trường liên cấp của Giáo dục Thành Thành Công giảm gần 21%, đạt 24,18 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2019-2020.

CTCP Giáo dục Thành Thành Công mới đây đã công bố sơ bộ một số chỉ tiêu tài chính niên độ tài chính 2019 - 2020. Diễn biến dịch Covid-19 đã khiến nhiều trường học tại Việt Nam cũng như trên thế giới phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội trong nhiều tháng, hoạt động kinh doanh của không ít tổ chức giao dục bị ảnh hưởng trong đó gồm cả hệ thống trường học thuộc CTCP Giáo dục Thành Thành Công. Lợi nhuận sau thuế đạt 24,18 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng giảm từ 6,18% xuống 4,78%.

Theo cập nhật mới nhất, TTC Edu đang có hệ thống 22 cơ sở giáo dục trải dài bao gồm 10 trường bậc mầm non, 8 trường liên cấp tiểu học – THCS – THPT cùng trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi - Đồng Nai và Đại học Yersin Đà Lạt. Hệ thống giáo dục này là nơi làm việc của 1.900 CBNV, giáo viên - giảng viên với 17.000 học sinh - sinh viên theo học.

Từ giữa năm 2019, cổ đông lớn nhất của TTC Edu là “nhà” Thành Thành Công đã chuyển nhượng lại cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ Navis Capital Partners từ Malaysia khi đó cho biết đã hoàn tất mua lại TTC Edu. Cùng thời điểm, Lam Champion Investment Limited, một quỹ có trụ sở tại Cayman Island, đã nắm 95% vốn doanh nghiệp giáo dục này.

Hiện vốn điều lệ của TTC Edu vẫn duy trì ở mức 350 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện xấp xỉ 506 tỷ đồng, tăng gần 3% so với kỳ trước. Cách đây một năm, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, vào ngày 30/6/2020, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ đã giảm 44% còn xấp xỉ 298 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ/ vốn chủ sở hữu giảm từ 1,08 lần xuống 0,59 lần. Đồng thời, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,37 lần còn 1,01 lần.

Các khoản nợ từ đợt phát hành trái phiếu năm 2017 với kỳ hạn 5 năm đã được TTC Edu tất toán sớm thông qua việc mua lại số trái phiếu đã phát hành.

Nhìn lại từ thời điểm TTC Edu lần đầu chào bán trái phiếu năm 2017, kết quả kinh doanh của hệ thống giáo dục này đã có sự cải thiện đáng kể. Lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2016 - 2017, 2017 - 2018 và 2018 - 2019 lần lượt là 11 tỷ đồng; 27,7 tỷ đồng và 30,44 tỷ đồng. Lợi nhuận kỳ này đã quay đầu giảm sau nhiều năm tăng trưởng.

Đánh giá về khoản đầu tư vào TTC Edu, quỹ đầu tư Malaysia khi đó nhận định đây là “nền tảng giáo dục tư nhân chất lượng cao tại khu vực phía Nam”. Navis cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng với đông đảo dân số trẻ, mức chi trả cho giáo dục cao (khoảng 10% chi tiêu hộ gia đình dành cho giáo dục vào năm 2017). Cùng đó, sự gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhu cầu về giáo dục chất lượng. Chiến lược mở rộng nền tảng giáo dục này cũng được tổ chức này xác định là xây thêm trường mới ở những khu vực chưa có nhiều dịch vụ giáo dục chất lượng và mở rộng dịch vụ tại các trường hiện tại lẫn các trường sắp mở.

Tin liên quan
Tin khác