Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 1.912 tỷ đồng, giảm 25,5% so với quý I/2021.
Dù vậy, giá vốn chiếm 1.845 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp kỳ này giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 66 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, bên cạnh sự sụt giảm của doanh thu mảng xây dựng, chi phí nguyên vật liệu, nhân công tăng cao cùng ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, ban điều hành đã trích lập dự phòng cho các công trường có rủi ro cao, biên lợi nhuận thu hẹp từ 4,8% về 3,4%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 11% lên 76 tỷ đồng, song chi phí tài chính cũng tăng thêm 11 tỷ đồng.
Nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 26% xuống còn 89 tỷ đồng không đủ giúp Coteccons tăng trưởng dương. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 29 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kỳ trước.
Trong khi quý III/2021 lỗ 12 tỷ đồng, quý IV/2021 lỗ 63 tỷ đồng, thì sang quý I/2022 Coteccons đã có lãi trở lại. |
Đáng chú ý, mặc dù doanh thu và lợi nhuận dương, nhưng dòng tiền kinh doanh của Coteccons vẫn âm hơn 325 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng âm 184 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 663 tỷ đồng. Điều này khiến Coteccons bắt đầu phải đi vay để bù đắp.
Trong tháng 1/2022, Coteccons đã phát hành thành công 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu nhằm thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công (300 tỷ đồng) và tăng quy mô vốn hoạt động (200 tỷ đồng).
Các khoản trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm kể từ ngày phát hành và hưởng lãi suất cố định 9,5%/năm, trả lãi định kỳ mỗi 6 tháng. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, Coteccons còn phát sinh thêm 135 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn qua đó nâng tổng số dư nợ vay tài chính tại thời điểm 31/3 lên hơn 630 tỷ đồng. Mặt khác, công ty vẫn còn hơn 3.600 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm.
Năm 2022, Coteccons đề ra mục tiêu 15.010 tỷ đồng doanh thu, tăng 65% so với năm 2021, song lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 17% còn 20 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh nghiệp đạt 12,7% kế hoạch doanh thu và vượt 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Lý giải về kế hoạch thấp này, tại ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 25/4, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho rằng phải nhìn vào yếu tố thị trường, lĩnh vực xây dựng là thị trường tự do và có nhiều bên tham gia cạnh tranh.
“Nhiều công ty cũng gặp khó khăn và sụt giảm mạnh biên lợi nhuận. Khi giá vật liệu tăng thì nhiều đơn vị cắt giảm chi phí dẫn tới ảnh hưởng chất lượng xây dựng. Nhưng Coteccons cần đảm bảo chất lượng và đảm bảo bàn giao đúng tiến bộ, không phải vì thị trường khó khăn mà công ty chuyển sang ngành khác mà luôn theo đuổi chuyên môn”, ông nói.
Ông Bolat Duisenov cho biết Coteccons có kinh nghiệm và nhìn ra nợ xấu luôn phát sinh, do đó cần phải lập dự phòng tài chính. Ban thu hồi nợ cũng đang làm việc tích cực, nếu thu hồi được sẽ thu về rất nhiều lợi nhuận.
Nói thêm về điều này, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng cho biết, trong khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng hơn 7.000 tỷ đồng thì có 14% là khoản nợ cảnh báo từ giai đoạn trước để lại.
Khi công ty đánh giá chủ đầu tư khó khăn thì sẽ phải trích lập dự phòng. Sau nhiều lần làm việc công ty đã lập dự phòng đối với 66% số nợ cảnh báo, nếu tình hình xấu đi thì phải tiếp tục lập dự phòng.
Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định cả HĐQT và ban điều hành cũng đang hỗ trợ bộ phận tài chính làm việc với một số chủ đầu tư để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, công ty còn phải thuê luật sư hay thậm chí bắt buộc phải đưa ra tòa để thu hồi công nợ.