Sức khỏe doanh nghiệp
Sau tin khởi kiện Amazon, cổ phiếu Gilimex nằm sàn với dư bán cả triệu đơn vị
Duy Bắc - 15/12/2022 12:08
Theo nguồn tin Bloomberg, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL - sàn HoSE) đang khởi kiện Amazon với giá trị lên tới 280 triệu USD.

Gilimex kiện Amazon do đột ngột thu hẹp các đơn hàng

Cụ thể, Amazon đang phải đối mặt với vụ kiện 280 triệu USD từ Gilimex với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Gilimex cho biết, họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu đô la vào các cơ sở sản xuất, để xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của Amazon. Hàng hóa trong kho được di chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến và cũng để công nhân không phải chạy bộ quanh các cơ sở rộng lớn.

Vụ kiện này đã cho thấy một góc nhìn hiếm hoi khác về mối quan hệ của Amazon với các nhà cung cấp cần thiết để thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của công ty trong thời kỳ đại dịch và cách những nhà cung cấp thường chấp nhận rủi ro lớn. Gilimex cho biết đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm, và sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm gắn bó.

Theo đơn kiện dài 32 trang, mối quan hệ đối tác được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”, trong đó Gilimex dựa vào tính chính xác của các dự báo của Amazon để đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu.

Gilimex cho biết đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự đoán để có thể mua nguyên liệu, công suất nhà máy và nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon, vốn đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch khi nhiều người ở nhà và tiêu tiền trực tuyến. Nhưng vào tháng 4 và tháng 5, Amazon  đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống một phần nhỏ so với các dự báo trước đó.

Theo Bloomberg, Amazon vẫn chưa có bình luận về vấn đề này.

Tranh chấp đã làm nổi rõ ảnh hưởng tới các mối quan hệ kinh doanh toàn cầu của sự thay đổi đột ngột trong thói quen chi tiêu khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng. Tháng 5/2022, Bloomberg đã có thông tin Amazon đang tìm cách cho thuê lại không gian nhà kho dư thừa sau đại dịch do xây dựng quá mức. Vào mùa thu,  Amazon đã bắt đầu loại bỏ các dự án thử nghiệm và sa thải công nhân để cắt giảm chi phí. Động thái này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023.

Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Theo vụ kiện, Gilimex đã từ bỏ các khách hàng lớn khác, bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.

Để đáp ứng nhu cầu của Amazon trong thời kỳ đại dịch, Gilimex phải di dời các cơ sở sản xuất và đóng gói để tiếp tục sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ thay đổi liên tục.

“Vì vậy, trong khi Amazon được hưởng lợi từ mức tăng doanh thu chưa từng có trong thời kỳ đại dịch phần lớn là do sự bùng nổ về đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng từ sự an toàn và thoải mái tại nhà, thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã cố gắng hết sức hàng ngày để lập kỷ lục đó theo đúng nghĩa đen để tăng trưởng trở thành hiện thực”, theo đơn kiện được đệ trình hôm thứ Hai (12/2) tại Tòa án bang New York.

Theo tìm hiểu, Gilimex được thành lập năm 1982, tiền thân là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu Quận Bình Thạnh. Năm 2000, Công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 12 tỷ đồng và tính tới nay, vốn điều lệ đã lên tới 690 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2021, Gilimex có hai cổ đông lớn là ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 12,2% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phương Đông sở hữu 8,07% vốn điều lệ và còn lại là 79,74% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Thoát lỗ quý III/2022 nhờ bán vốn tại CTCP Dệt may Gia Định

Trong quý III/2022, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 213,09 tỷ đồng, giảm 66,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 128,21 tỷ đồng, tăng 598,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,1% về còn 9,9%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 77,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 73,85 tỷ đồng về 21,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 834,4%, tương ứng tăng thêm 240,32 tỷ đồng lên 269,12 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 528,2%, tương ứng tăng thêm 84,56 tỷ đồng lên 100,57 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 10,77 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 8,07 tỷ đồng, tức tăng 18,84 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 39%, tương ứng giảm 28,46 tỷ đồng về 44,48 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Gilimex ghi nhận lỗ 123,95 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 6 tỷ đồng, tức giảm tới 129,95 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động cốt lõi âm, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến và lãi công ty liên doanh, liên kết.

Công ty thuyết minh trong quý III, doanh thu tài chính tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận 200,9 tỷ đồng lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết so với cùng kỳ không ghi nhận.

Nếu xem kỹ trong cơ cấu đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Thời điểm 30/6/2022, Công ty có hai công ty liên kết là CTCP Dệt may Gia Định với tỷ lệ sở hữu 25,91% và CTCP Đầu tư và Phát triển Hoàng Anh với tỷ lệ sở hữu là 35% vốn. Tuy nhiên, tới thời điểm 30/9/2022, Công ty báo cáo chỉ còn sở hữu 35% vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Hoàng Anh.

Như vậy, doanh thu tài chính đột biến trong quý III nhiều khả năng đến từ bán tài sản là tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dệt may Gia Định.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 2.904,67 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 351,51 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Gilimex đã thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 250 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 15-30%. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 140,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Gilimex tăng 13,3% so với đầu năm lên 4.267,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.053,4 tỷ đồng, chiếm 48,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.277,9 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 65,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 812,2 tỷ đồng lên 2.053,4 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 74,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 759,3 tỷ đồng về 263,5 tỷ đồng và chiếm 6,2% tổng tài sản; tồn kho tăng 70,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 528,6 tỷ đồng lên 1.277,9 tỷ đồng …

Xét về danh mục đầu tư chứng khoán, tính tới 30/9/2022, Công ty mang 64,06 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán, trích lập 21,83 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 34,1% danh mục. Trong đó, chủ yếu là đầu tư 61,22 tỷ đồng vào cổ phiếu GMC của CTCP Germex Sài Gòn, trích lập dự phòng 21,83 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 7% so với đầu năm, tương ứng giảm 71 tỷ đồng về 938,4 tỷ đồng và chiếm 22% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu GIL tăng 850 đồng lên 28.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, bước sang phiên sáng ngày 15/12, cổ phiếu GIL bất ngờ giảm sàn 1.950 đồng về 26.250 đồng/cổ phiếu với dư bán sàn hơn 1,3 triệu cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác