Không có nhiều đơn hàng lớn để giúp SBIC thoát khỏi tình trạng kinh doanh thua lỗ trong năm 2019. |
Khó khăn vẫn chưa buông tha đối với hậu thân của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin khi kết quả kinh doanh của SBIC trong năm 2019 không có nhiều điểm khởi sắc.
Năm 2019, mặc dù đạt chỉ tiêu về số sản phẩm bàn giao (69/68) nhưng doanh và thu nhập khác của SBIC cũng chỉ đạt 2.498 tỷ đồng, hơn 1,1% so với kế hoạch. Điều này dẫn tới lợi nhuận toàn tổng công ty chỉ đạt 108 tỷ đồng, không đủ bù đắp các khoản chi phí tai chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỷ giá). Tính tổng cộng, năm 2019, SBIC vẫn lỗ tới 3.984 tỷ đồng.
Trong số các đơn vị thuộc SBIC, ngoài Công ty mẹ ghi nhận khoản lợi nhuận 40 tỷ đồng, các đơn vị còn lại đều rất khó khăn. Cụ thể, khối 8 đơn vị được giữ lại lỗ 2.009 tỷ đồng; khối đơn vị đang tái cơ cấu lỗ 2.014 tỷ đồng.
Hiện toàn SBIC có 5.335 lao động đang làm việc, với thu nhập bình quân năm 2019 đạt 8,82 triệu đồng, cao hơn 700.000 đồng so với kế hoạch.
Theo lãnh đạo SBIC, năm 2019 vẫn là năm tiếp tục khó khăn với ngành hàng hải khi các hãng tàu biển trong và ngoài nước tiếp tục dư thừa trọng tải dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá cước. Thị trường đóng tàu quốc tế chỉ có một số ít đơn hàng đóng mới, xu hướng phục hồi chưa rõ ràng. Tại thị trường trong nước, do không thu xếp được nguồn vốn đầu tư nên các đơn vị kinh doanh vận tải biển cũng không có nhiều dự án đóng mới.
Nguồn thu chính của SBIC trong năm 2019 vì vậy chủ yếu đến từ sửa chữa và công nghiệp phụ trợ.
Điều đáng nói là tình hình kinh doanh của SBIC trong năm 2020 được dự báo là còn khó khăn hơn năm 2019. Hiện SBIC đang lên kế hoạch doanh thu toàn tổng công ty năm 2020 là 2.910 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch 2019 và bằng 98,8% so với ước thực hiện năm 2019. Với khoản lợi nhuận từ hoạt động SXKD 329 tỷ đồng (không tính chi phí tài chính), SBIC dự kiến lỗ khoảng 3.900 tỷ đồng trong năm 2020.